Search
Thứ 5, 21/11/2024, 21:29 PM
Thứ 4, 10/05/2017, 16:15 PM

Emmanuel Macron và phép thử với Nền Cộng hòa thứ Năm

(Thế giới) - Kết quả bầu cử Tổng thống vòng hai của Pháp cuối tuần qua là một sự thở phào nhẹ nhõm đối với đa số người dân tiến bộ ở Pháp và đối với cả châu Âu. 

 

Emmanuel Macron và phép thử với Nền Cộng hòa thứ Năm

Chiến thắng của ứng cử viên trung dung Emmanuel Macron trước nhà dân tộc chủ nghĩa cực đoan Marine Le Pen đã khẳng định rằng, chủ nghĩa trung dung cởi mở vẫn đang thắng thế trước chủ nghĩa dân túy cưc đoan trong nền chính trị Pháp. 

Điều đặc biệt về Emmanuel Macron là về mặt chính trị, ông không phải người kế thừa của bất cứ ai. Là một nhân tố mới trên chính trường, ông không thuộc về cả hai đảng lớn nhất nước Pháp là đảng Cộng hòa và đảng Xã hội. Phong trào chính trị Tiến Bước của ông cũng chỉ mới được sáng lập 1 năm về trước và hoàn toàn non trẻ. Việc gương mặt mới mẻ này một bước tiến lên vị trí Nguyên thủ Pháp cho thấy người dân Pháp đang khao khát chờ đón một sự thay đổi, một sự thay đổi mà họ chỉ nhận thấy ở những con người như ông Macron.   

Tuy nhiên, chiến thắng của ông Macron cũng đang đặt ra thách thức với nước Pháp hơn bao giờ hết. Liệu vị Tổng thống trẻ tuổi nhất trong có thể chèo lái con thuyền đất nước vượt qua hàng loạt thách thức, đặc biệt là những thách thức nội tại của một nền chính trị vốn có văn hóa so kè quyền lực hơn là liên minh và hợp tác?

Emmanuel Macron - Sự phủ nhận nền tảng chính trị hiện tại

Emmanuel Macron, Tổng thống đắc cử của nước Pháp, đã vận động tranh cử với khẩu hiệu “Nước Pháp cho tất cả mọi người”. Và đây là khẩu hiệu khá phù hợp với ứng cử viên này - một chính trị gia trung dung trẻ tuổi luôn tươi cười, người đã thu hút được lá phiếu của các cử tri từ cả hai phía tả hữu trong quang phổ chính trị nước Pháp. Chiến thắng của ông trước chính trị gia cực hữu theo đường lối dân tộc chủ nghĩa Marine Le Pen cho thấy một sự nổi lên của đường lối trung dung và hứa hẹn sẽ mang tới những thay đổi cơ bản cho nền chính trị Pháp - một nền chính trị về thực tế gần như là lưỡng đảng trong nhiều năm nay.

Emmanuel Macron và phép thử với Nền Cộng hòa thứ Năm - ảnh 1

Về mặt chính trị, Emmanuel Macron không phải người kế thừa của bất cứ ai

Nhưng chiến thắng của ông Macron có thể sẽ làm rạn nứt hơn nữa nền chính trị Pháp thay vì làm chiếc cầu nối liền những khác biệt và chia rẽ về chính trị của đất nước này. Chiến thắng của ông cũng cho thấy một thách thức đang đặt ra tại rất nhiều nền dân chủ phương Tây hiện nay, đặc biệt là ở châu Âu: Người dân đã chán nản và đang từng bước phủ nhận nền tảng chính trị hiện có, nhưng thay đổi hay làm mới hệ thống chính trị song song với việc kiến tạo ra một Chính phủ hoạt động hiệu quả hoàn toàn không phải điều dễ dàng. Và tiến trình này có thể sẽ không dễ gì bồi đắp, mà còn làm xói mòn hơn nữa lòng tin của người dân.

Một điều có thể coi như dấu hiệu đầu tiên về một nhiệm kỳ không đơn giản của Tân Tổng thống Macron, là việc có tới hơn 1/4 cử tri Pháp đã không đi bỏ phiếu trong vòng hai bầu cử Tổng thống - một tỉ lệ không có phiếu vào loại cao nhất trong lịch sử gần 60 năm qua của Nền Cộng hòa Thứ Năm của nước Pháp. Cử tri Pháp đã quá thất vọng với những lãnh đạo chính trị của mình đến nỗi, lần đầu tiên trong lịch sử Cộng hòa Thứ Năm, bầu cử Tổng thống vòng hai đã không có sự có mặt của cả hai chính đảng lớn nhất đất nước.

Dù đó là phản ứng của người dân trước sự yếu kém của Chính phủ trong việc cải thiện nền đang trì trệ, bảo vệ đất nước khỏi nguy cơ khủng bố từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đưa người nhập cư hòa nhập cộng đồng hay giải quyết những mặt trái của toàn cầu hóa, thì người Pháp cũng đã thể hiện sự mất lòng tin vào Chính phủ của mình. Ngay trước khi bỏ phiếu diễn ra cuối tuần qua, một cuộc khảo sát cho thấy cử tri Pháp đang chia rẽ và phân cực hơn công dân các nước châu Âu khác, với 20% cử tri Pháp tự cho rằng mình có quan điểm chính trị cực tả hoặc cực hữu (so với 7% ở toàn châu Âu) và 36% cử tri cho rằng mình có quan điểm chính trị trung dung (so với 62% ở châu Âu). Đó không phải những con số nói lên sự thống nhất và hòa hợp.

Thái độ bất mãn của người dân trước các Chính phủ gần đây chính là xung lực đưa ông Macron, một cựu quan chức Chính phủ chưa từng nắm giữ vị trí nào qua bầu cử, đến với điện Elysee. Ông không thuộc về đảng phái chính trị nào, và mới chỉ sáng lập ra phong trào Tiến Bước một năm trước. Nhưng chính sự độc lập chính trị được coi là ưu thế của ông Macron trong kỳ tranh cử vừa quả lại có thể trở thành điểm bất lợi cho ông trong cuộc tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội mới vào tháng sau.

“Sống thử” và phép thử với Nền Cộng hòa Thứ Năm

Ông Macron đã hứa hẹn sẽ có ứng viên của phong trào Tiến Bước đứng ra tranh cử tại tất cả các khu vực bầu cử, và các cuộc thăm dò dư luận cũng cho thấy Tiến Bước cho thể sẽ giành được nhiều ghế trong Quốc hội Pháp hơn bất cứ đảng phái nào khác - và thậm chí còn có khả năng giành được đa số trong Hạ viện 577 ghế của nước này. Điều này, nếu xảy ra, sẽ là một thành công vô cùng ấn tượng cho một tổ chức chính trị chỉ vừa nổi lên trên chính trường trong vòng vỏn vẹn một năm.

Tuy nhiên, trong trường hợp xấu hơn khi phong trào Tiến Bước không giành được đa số ghế trong Quốc hội, Tổng thống đắc cử Macron sẽ phải thành lập một Chính phủ liên minh cùng với các đảng phái khác. Và nếu một đảng nào khác giành được đa số phiếu, ông Macron sẽ buộc phải thỏa hiệp với đảng này trong một kịch bản mà người Pháp gọi là “sống thử”.

 

Emmanuel Macron và phép thử với Nền Cộng hòa thứ Năm - ảnh 2

Nhiệm kỳ Tổng thống sắp tới của ông Macron sẽ chính là một phép thử với Nền Cộng hòa Thứ Năm

Tại Pháp, trong nhiều thập kỷ trở lại đây, các Tổng thống thường được lựa chọn từ Đảng Cộng hòa trung hữu hoặc Đảng Xã hội trung tả. Chiến thắng của họ trong cuộc bầu cử Tổng thống sẽ mở đường cho chiến thắng của đảng mình trong cuộc bầu cử Quốc hội. Điều này cho phép Tổng thống có thể chỉ định một Thủ tướng từ đảng của mình, người sẽ điều hành Chính phủ theo đường lối của Tổng thống. Nhưng không phải khi nào kịch bản này cũng diễn ra; kể từ khi được cố Tổng thống Charles de Gaulle thành lập năm 1958, Nền Cộng hòa Thứ Năm đã trải qua ba lần “sống thử”.

Mỗi khi kịch bản “sống thử” diễn ra, vai trò Tổng thống bị giảm tối đa, và mọi thẩm quyền điều hành đất nước gần như rơi vào tay Thủ tướng. Điển hình là giai đoạn cuối những năm 1980, Thủ tướng Jacques Chirac, một người của đảng Cộng hòa, đã tiến hành cắt giảm thuế và tư hữu hóa các doanh nghiệp nhà nước trong sự phản đối bất lực của Tổng thống Francois Mitterand, một người của đảng Xã hội. Nhưng khi tới lượt ông Chirac trở thành Tổng thống, thì lại có Thủ tướng Lionel Jospin đến từ đảng Xã hội thông qua luật giảm giờ làm từ 39 xuống còn 35 giờ.

Nhưng hệ thống chính trị đã vận hành khá trơn tru trong thời gian gần đây: Pháp đã không có một Chính phủ chia rẽ nào kể từ sau lần cải cách hiến pháp đầu những năm 2000. Những cải cách này đã điều chỉnh nhiệm kỳ Tổng thống và Quốc hội cùng về mức 5 năm, và nước này cũng đã tổ chức các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội sát nhau hơn để tránh tối đa nguy cơ xảy ra kịch bản “sống thử”.

Tuy nhiên, cuộc bầu cử Tổng thống vòng hai cuối tuần qua đã phá bỏ lề lối cũ của hệ thống chính trị Pháp - và nguy cơ “sống thử” với những rối ren chính trị đi kèm với nó lại càng trở nên hiện hữu hơn bao giờ hết. Nếu một đảng đối lập giành được đa số trong kỳ bầu cử Quốc hội tháng tới, Tổng thống Macron sẽ khó có khả năng thực hiện những cam kết tranh cử đầy tham vọng của mình: Cụ thể là cắt giảm chi tiêu Chính phủ và cho người sử dụng lao động quyền linh hoạt tuyển dụng, sa thải và thương lượng trực tiếp với người lao động. Và nếu ông rơi vào thế phải thành lập một Chính phủ liên minh từ các đảng phái khác nhau, ông cũng sẽ không dễ dàng gì để giành được sự ủng hộ mỗi lần muốn thông qua một đạo luật nào đó. Như ứng cử viên Cộng hòa Francois Fillon, người đã thua cuộc trong vòng bầu cử thứ nhất, đã từng cảnh báo, ông Macron sẽ phải năm lần bảy lượt “xào nấu những chính sách đầy vị bất lực và thỏa hiệp” - loại món ăn tồi tệ nhất trong nền ẩm thực chính trị Pháp.

Theo như những kịch bản này, việc đưa ông Macron tới điện Elysee có thể sẽ mang tới những tác dụng ngược so với những gì các cử tri bỏ phiếu cho ông kỳ vọng: Một người được lựa chọn để hành động có thể sẽ phải rất chật vật trong mọi hành động, một người được lựa chọn để phá bỏ lề lối chính trị truyền thống có thể sẽ phải thỏa hiệp với chính những lề lối đó. Sự thất vọng của cử tri và khao khát thay đổi sẽ ngày một lớn hơn.

Thực tế này như một vòng tròn lẩn quẩn đang diễn ra trên khắp châu Âu, khi nỗi thất vọng của cử tri với nền tảng chính trị hiện có đang làm suy yếu các đảng trung tả và trung hữu, tạo điều kiện cho hàng loạt đảng cỡ nhỏ và cỡ vừa nổi lên tranh giành ảnh hưởng trên trường chính trị. Sự phân tách về chính trị càng lớn thì càng dễ dẫn đến tình trạng những Chính phủ liên minh thiếu ổn định không thể điều hành hiệu quả và thông qua những chương trình chính sách quan trọng của đất nước. Kết quả là các cử tri sẽ càng bất mãn, và sẽ càng hướng tới những đảng phái và chính trị gia có xu hướng cực đoan hơn.

Nếu, trong một kịch bản sáng sủa hơn, phong trào Tiến Bước của tân Tổng thống Macron giành được đa số trong Quốc hội, hoặc nếu các nghị sĩ đảng Cộng hòa và đảng Xã hội đột ngột trở nên hợp tác với nhau hơn, thì nhiệm kỳ của ông Macron có thể sẽ xuôi chèo mát mái. Như nhà sử học Pháp Aline-Florence Manent đã từng chỉ ra, Tướng De Gaulle xây dựng Nền Cộng hòa Thứ Năm theo một mô hình không lệ thuộc vào các đảng phái, một điều ông cho là sẽ tạo ra sự bất ổn và bế tắc. Người sáng lập ra nước Pháp hiện đại đã thiết kế một chế độ chính trị là sự kết hợp giữa các thể chế của hệ thống nghị viện với quyền lực Tổng thống, với mục đích nhằm đảm bảo rằng một cuộc khủng hoảng trong các đảng chính trị sẽ không dẫn đến một cuộc khủng hoảng trong Chính phủ.

Nhiệm kỳ Tổng thống sắp tới của ông Macron sẽ chính là một phép thử với Nền Cộng hòa Thứ Năm. Chế độ này trên thực tế chưa được thử thách, do trong quá trình vận động, hệ thống chính trị nước này trên thực tế đã trở thành một hệ thống lưỡng đảng.

Thành công hay thất bại của Tổng thống Macron trong thời gian sắp tới, sẽ phần nào nói lên khoảng cách giữa lý luận và thực tiễn của Nền Cộng hòa Thứ Năm.


Top
Điện thoại:

Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved

Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất

Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này

 Email : [email protected]

0.65379 sec| 1866.539 kb