Ảnh minh họa.
Báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đã mang lại kết quả nhất định song vẫn còn nhiều tồn tại liên quan đến chất lượng tàu vỏ thép như các ngư dân đã phản ánh trong thời gian qua.
Theo đó, đã có 27/28 tỉnh, thành phố ven biển đã phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đóng mới, nâng cấp cho 1.948/2.284 tàu, trong đó đóng mới 1.510, đạt 66,11 % (tàu vỏ thép và vật liệu mới là 768 tàu, chiếm 51%; tàu vỏ gỗ là 742 tàu, chiếm 49%). Số tàu cá phân theo nhóm nghề: tàu làm nghề câu 85 chiếc, nghề lưới rê 420 chiếc; nghề lưới vây 427 chiếc; nghề lưới chụp 341 chiếc và tàu dịch vụ hậu cần là 237 chiếc; số tàu nâng cấp 438 tàu.
Tính đến 31/7/2017 đã có 761 tàu cá đóng mới đi vào hoạt động, trong đó có 301 tàu vỏ thép, 53 tàu composite, 407 tàu vỏ gỗ đóng mới và 105 tàu cá nâng cấp đi vào hoạt động sản xuất.
Riêng về việc giải ngân nguồn vốn vay đóng mới, nâng cấp tàu thì tính đến ngày 15/7/2017, các NHTM đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 1.005 tàu (880 tàu đóng mới và 125 tàu nâng cấp), số tiền cam kết cho vay là 9.931 tỷ đồng; giải ngân cho vay được 9.012 tỷ đồng, dư nợ đạt 8.838 tỷ đồng, tăng 15,2% so với 31/12/2016.
Ngoài ra, các ngân hàng thương mại đã thực hiện giải ngân cho 267 lượt khách hàng với tổng số tiền trên 110 tỷ đồng. Hiện có 78 khách hàng còn dư nợ với số tiền gần 31 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định vẫn còn nhiều tồn tại vướng mắc, do chủ các cơ sở đóng tàu cung cấp hàng kém chất lượng, đầu tư cho các công trình hỗ trợ chưa đồng bộ, các ngân hàng tăng thêm thủ tục khi yêu cầu ngư thêm tài sản thế chấp như nhà cửa, đất đai,...
Cụ thể là, có tới 40 tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của ngư dân tỉnh Bình Định (19 tàu) và Phú Yên (02 tàu), Thanh Hóa (18), Quảng Nam (1) bị hư hỏng (rỉ sét phần vỏ tàu, mặt boong, cabin, van ống; máy chính, máy phát điện, trang thiết bị và hầm bảo quản).
Các hạng mục đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cho cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cũng chưa đồng bộ (chưa quy định đối với các hạng mục: mái che, kho lạnh... ); ngân sách nhà nước đầu tư cho cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, khu nuôi trồng thủy sản tập trung còn hạn chế.
Một số ngân hàng thương mại còn yêu cầu thêm tài sản thế chấp như: sổ đỏ hoặc tài sản khác bổ sung dù Nghị định 67 đã quy định ngư dân lấy tài sản hình thành để thế chấp.
Lãi suất cho vay vẫn còn cao, phương thức cho vay, cơ chế cho vay chưa phù hợp và chưa có cơ chế xử lý rủi ro cho các ngân hàng thương mại nên chưa tạo được sự tích cực cho vay và ngư dân thấy quá phiền phức nên không muốn vay; vì vậy với mục đích của chính sách này là không để ngư dân phải lệ thuộc vào chủ nậu vựa để chuẩn bị cho các chuyến biển là chưa đạt được.
Năm 2017, do hướng dẫn chậm, các doanh nghiệp bảo hiểm không tiếp tục thực hiện bảo hiểm theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP đã phát sinh vướng mắc từ đầu năm đến nay làm cho các ngân hàng thương mại không tiến hành giải cho các tàu đang đóng hoặc ngư dân có tàu đã đóng xong do không có bảo hiểm nên không đi biển được.
Vì vậy, cần bổ sung thêm doanh nghiệp thực hiện bảo hiểm trên địa bản của mỗi tỉnh thay vì chỉ có một doanh nghiệp như hiện nay.
Thêm vào đó, do lần đầu triển khai đóng tàu vỏ thép nên ngư dân còn lúng túng chọn cơ sở đóng tàu, tư vấn thiết kế và công tác giám sát thi công; công tác đăng kiểm còn thiếu về nguồn lực, yếu về trình độ.
Một số tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định, Quảng Nam, Thanh Hóa, Ninh Thuận bị rỉ sét nặng phần vỏ, máy tàu bị hư hỏng, trang thiết bị khai thác, hàng hải như máy dò, hầm bảo quản, bóng đèn hoạt động kém .... gây thiệt hại cho ngư dân và ảnh hưởng lớn đến chính sách của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất từ các địa phương, các tàu cá vỏ thép bị hư hỏng đã được các cơ sở đóng tàu, ngư dân và các đơn vị liên quan tiến hành khắc phục, sửa chữa theo quy định, dự kiến đến cuối tháng 8/2017 hoàn thành và tiếp tục đi hoạt động.