Chiều 11/7, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định tổ chức cuộc họp với các ngư dân có tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP và 2 đơn vị đóng tàu Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng), Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) để thông qua kế hoạch và phương án sửa chữa tàu vỏ thép.
Phương án sửa chữa khác yêu cầu của UBND tỉnh
Tại cuộc họp, ông Trần Văn Phúc, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết 2 công ty đóng tàu nói trên đã trình phương án, kế hoạch và tiến độ khắc phục, sửa chữa cho từng tàu vỏ thép bị hư hỏng. Tuy nhiên, nhiều chi tiết trong phương án sửa chữa tàu không đúng như đề nghị của UBND tỉnh Bình Định. Hiện 2 công ty đóng tàu đã thống nhất thời gian đưa tàu lên đà tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan (H.Hoài Nhơn, Bình Định) để sửa chữa, khắc phục trong tháng 7 và 8.2017.
“Ban đầu, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Công ty TNHH MTV Nam Triệu khắc phục 13 tàu, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương sửa chữa, khắc phục 5 tàu. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc có thêm 2 chủ tàu đề nghị Công ty Nam Triệu khắc phục, sửa chữa, bảo hành các hư hỏng vỏ tàu và máy tàu. Do vậy, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Công ty Nam Triệu phải sửa chữa, khắc phục 15 tàu”, ông Phúc nói.
Ông Phúc trình bày phương án khắc phục tàu vỏ thép. Ảnh: HOÀNG TRỌNG
Về phần vỏ tàu, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Công ty TNHH Đại Nguyên Dương phải thay lại thép Hàn Quốc đảm bảo thép cấp A và các chỉ số cơ lý, hóa lý đạt tiêu chuẩn đóng tàu vỏ thép đối với các vỏ tàu đã thay thế thép Hàn Quốc bằng thép Trung Quốc. Tuy nhiên, trong phương án sửa chữa, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương không thay thế toàn bộ thép Trung Quốc bằng thép Hàn Quốc mà đưa tàu lên đà kiểm tra tổng thể mẫu thép vỏ tàu, nếu thép Trung Quốc đạt cấp A thì giữ lại, vị trí nào không đạt cấp A thì mới thay thế bằng thép Hàn Quốc đạt cấp A.
Về máy tàu, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Công ty TNHH MTV Nam Triệu thay mới toàn bộ 10 máy thủy chính hiệu Misubishi không đồng bộ và thay mới máy chính Doosan của ông Trần Đình Sơn (H.Phù Mỹ, Bình Định), chủ tàu vỏ thép BĐ 99245 TS. Tuy nhiên, trong phương án sửa chữa, Công ty Nam Triệu chỉ thực hiện thay mới 10 máy hiệu Misubishi và hộp số, hệ trục chân vịt cho phù hợp. Đối với máy chính Doosan của ông Trần Đình Sơn, Công ty Nam Triệu chỉ thực hiện bảo hành theo đúng hợp đồng, thay thế các linh kiện, phụ tùng mới của hãng máy.
Ngư dân đọc phương án khắc phục tàu của mình. Ảnh: HOÀNG TRỌNG
Đối với các máy phụ, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định yêu cầu Công ty Nam Triệu khắc phục và sửa chữa các máy phụ bị hư hỏng. Công ty Nam Triệu thực hiện việc sửa chữa theo đúng yêu cầu của UBND tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, có 4 tàu lưới vây của ông Đinh Công Khánh, Lê Văn Thãi (cùng ở xã Cát Khánh, H.Phù Cát) và Trần Văn Hạo, Trương Hoài Khánh (P.Đống Đa, TP.Quy Nhơn) yêu cầu kiểm tra lại giấy tờ, nguồn gốc, xuất xứ của máy nếu không đúng hợp đồng thì công ty phải thay lại máy mới theo đúng hợp đồng.
Chủ tàu phản ứng quyết liệt
Ngay sau khi ông Phúc công bố phương án, kế hoạch sửa chữa tàu của 2 đơn vị đóng tàu, vợ chồng ông Trần Văn Hạo (ở P.Đống Đa, TP.Quy Nhơn), chủ tàu vỏ thép BĐ 99029 TS, cho rằng việc Công ty Nam Triệu ghi đã thỏa thuận với ngư dân là không đúng. Ông Hạo yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra lại nguồn gốc, xuất xứ của hộp số máy chính, máy phát điện trên tàu của mình có đúng với hợp đồng hay không và yêu cầu Công ty Nam Triệu thay lại hộp số 5.1 cho tàu của mình.
Ông Trương Hoài Khánh (cũng ở P.Đống Đa), chủ tàu BĐ 99279 TS, yêu cầu kiểm tra nguồn gốc và thay lại 2 máy phát điện, thay máy dò cá trên tàu cá của mình. Ông Khánh cho biết 2 máy phát điện trên tàu cá của mình không hoạt động được. “Nếu trước đây lắp bằng máy mới nguyên đai, nguyên kiện thì sử dụng biết bao giờ mới hư. Nhưng 2 máy trên tàu của tôi mới sử dụng đã bị hư. Trong hợp đồng, trục chân vịt ghi là bằng inox nhưng đóng bằng thép gang bình thường. Nếu sau này tàu tiếp tục hư hỏng thì ai chịu trách nhiệm?”, ông Khánh gay gắt.
Nhiều chủ tàu khác cũng yêu cầu thay lại hộp số cho tàu cá của mình. Ông Bùi Hữu Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty Nam Triệu, cho rằng trong hợp đồng không ghi hộp số bao nhiêu chấm nhưng trong thẩm định giá của cơ quan thẩm định ghi hộp số 5.1.
“Về việc thay hộp số mới, công ty đã báo cáo, xin ý kiến cơ quan chủ quản của công ty là Tổng cục Hậu cần (Bộ Công an). Tổng cục đồng ý cho thay hộp số mới cho tất cả 10 tàu của ngư dân nếu ngư dân có đề nghị. Tuy nhiên, việc này phải được sự đồng ý của cơ quan thiết kế, đăng kiểm. Qua bàn bạc với ngư dân, hiện 6 chủ tàu lưới rê lắp máy chính công suất 811 HP đã đồng ý theo báo cáo của công ty với cơ quan thiết kế và cơ quan đăng kiểm là thay hộp số mới 3.58. Còn lại các chủ tàu lưới rê lắp máy 940 HP chưa đồng ý, họ yêu cầu lắp hộp số 5.1, có người yêu cầu lắp hộp số từ 4.0 trở lên”, ông Hùng cho biết.
Ông Trần Văn Phúc, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, đề nghị Công ty Nam Triệu thay máy chính mới phải thay hộp số mới đồng bộ theo đúng kết cấu máy và đề nghị Trung tâm đăng kiểm (Tổng cục Thủy Sản) sẽ kiểm tra, chịu trách nhiệm vấn đề này. Ông Phúc cũng yêu cầu Công ty Nam Triệu kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ máy phát điện, nếu không đúng theo hợp đồng thì yêu cầu thay máy mới theo đúng hợp đồng.
Tại cuộc họp, ông Trần Đình Sơn cũng phản ứng quyết liệt với phương án sửa chữa tàu cá của mình. Ông Sơn kiên quyết không chấp nhận thay thế phụ tùng mà yêu cầu Công ty Nam Triệu phải thay lại máy mới.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, giải thích là đối với tàu của ông Sơn, Công ty Nam Triệu nói thay toàn bộ linh kiện, phụ tùng bên trong, chỉ giữ lại vỏ bên ngoài. Tuy nhiên, ông Sơn cắt lời: “Tôi yêu cầu thay máy mới 100%”. Sau đó, ông Hổ đề xuất mời Trung tâm Đăng kiểm tàu cá, Công ty Nam Triệu, đơn vị cung cấp máy thủy làm việc với chủ tàu để thỏa thuận, thống nhất và báo cáo UBND tỉnh Bình Định.
Nhiều chủ tàu khác yêu cầu các đơn vị đóng tàu sớm khắc phục lại tàu vỏ thép để ngư dân ra khơi và có phương án bồi thường thiệt hại do tàu vỏ thép bị hư hỏng gây ra.
Kết luận cuộc họp, ông Phan Trọng Hổ cho biết sẽ báo cáo vấn đề Công ty TNHH Đại Nguyên Dương không chịu thay lại thép Hàn Quốc đối với vỏ tàu đã đóng bằng thép Trung Quốc lên Bộ NN-PTNT để cho ý kiến chỉ đạo. “Trong ngày 12.7, sau khi Bộ NN-PTNT có ý kiến trả lời bằng văn bản thì 5 chủ tàu sẽ làm việc với Công ty Đại Nguyên Dương để thống nhất phương án khắc phục tàu”, ông Hổ đề nghị.
Ông Phan Trọng Hổ cho rằng các chủ tàu, đơn vị đóng tàu về cơ bản đã thống nhất nội dung sữa chữa tàu cần căn cứ theo hợp đồng. Sở NN-PTNT sẽ hoàn chỉnh phương án sửa chữa để gửi cho hai cơ sở đóng tàu, đăng kiểm viên, chủ tàu và các đơn vị liên quan.
“Dựa trên phương án sửa chữa tàu, cơ quan đăng kiểm sẽ có trách nhiệm kiểm tra, thẩm định trong quá trình các đơn vị đóng tàu khắc phục tàu vỏ thép bị hư hỏng. Trong quá trình lắp ráp, cơ quan đăng kiểm cùng đơn vị giám sát của tỉnh Bình Định và chủ tàu sẽ cùng giám sát. Sau khi lắp ráp xong, cơ quan đăng kiểm sẽ có trách nhiệm đánh giá, kiểm định lại con tàu, đảm bảo chất lượng để ra khơi”, ông Hổ nói.
Cuối buổi họp, ông Bùi Hữu Hùng đề nghị Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định cho công ty phun cát, sơn lại cho 6 tàu vỏ thép đã kéo lên đà của Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan ngay trong sáng 12/7, đồng thời cho triển khai tháo thiết bị để chuẩn bị thay máy cho 6 tàu. Hiện Công ty Nam Triệu sẵn sàng thay máy chính Misubishi công suất 811 HP cho 6 tàu vỏ thép và 1 máy chính cho tàu có công suất 940 HP.
Ông Phan Trọng Hổ đồng ý với đề nghị của ông Hùng.
Chờ ý kiến của Bộ NN-PTNT về khắc phục vỏ tàu
Chiều 11/7, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản thống nhất phương án, kế hoạch và tiến độ khắc phục, sửa chữa cho từng tàu vỏ thép bị hư hỏng của Sở NN-PTNT tỉnh này. Theo đó, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Công ty Nam Triệu khắc phục, sửa chữa 15 tàu vỏ thép, Công ty Đại Nguyên Dương khắc phục, sửa chữa 5 tàu. Đối với tàu vỏ thép đóng không đúng chủng loại theo hợp đồng, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Sở NN-PTNT xin ý kiến chỉ đạo của Bộ NN-PTNT. UBND tỉnh Bình Định cũng yêu cầu Công ty Nam Triệu thay 10 máy Misubishi không đồng bộ và thay mới máy chính Doosan cho tàu cá của ông Trần Đình Sơn.
|