Robot thu gom ly chén tại quán cà phê Chilli Padi Nonya ở Singapore
Khác với những quốc gia dẫn đầu về công nghệ như Đức, Mỹ và Nhật Bản đầu tư hàng tỉ USD vào phát triển robot để cạnh tranh trong những lĩnh vực tối tân như vũ trụ hay nghiên cứu phóng xạ, “cuộc cách mạng” robot tại Singapore xuất phát từ nhu cầu cấp thiết và gần gũi hơn nhiều. Đó là sự sống còn của doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng. Năm 2016, chính phủ nước này bắt đầu triển khai kế hoạch trị giá 333 triệu USD trong 3 năm nhằm hỗ trợ triển khai robot trong ngành dịch vụ và chăm sóc khách hàng, từ bảo vệ cho đến bán hàng, lễ tân.
Robot bán hàng
Theo Reuters, kể từ khi Singapore thắt chặt quy định về lao động nước ngoài vào năm 2011, hàng ngàn doanh nghiệp dịch vụ, từ nhà hàng, khách sạn cho đến công ty bán lẻ lâm vào tình trạng thiếu nhân lực nghiêm trọng. Người bản xứ chỉ muốn làm những công việc đòi hỏi trình độ học vấn cao và không mấy mặn mà với những công việc ngành dịch vụ.
“Trong ngành ẩm thực, 90% doanh nghiệp thiếu lao động và khoảng 1/3 đang trong tình trạng chật vật. Một số nhà hàng buộc phải đóng cửa”, theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà hàng Singapore. “Cách đây khoảng
5 năm, chúng tôi dễ dàng thuê nhân viên phục vụ, nhưng giờ đây dù liên tục đăng thông tin tuyển dụng, không mấy ai đến nộp đơn”, bà Sherine Toh, Giám đốc nhân sự chuỗi nhà hàng Tung Lok, chia sẻ. Mỗi đợt tuyển dụng bà Toh cần ít nhất 20 nhân viên nhưng không thể tìm đủ chỉ tiêu, một số chi nhánh của Tung Lok đã buộc phải đóng cửa.
Kể từ khi nhận được hỗ trợ theo chương trình của chính phủ, một số doanh nghiệp bắt đầu mạnh dạn triển khai sử dụng nhân viên robot. Tại quán cà phê Chilli Padi Nonya, những cỗ máy nhỏ nhắn, có thể phát ra tiếng nói bằng giọng trẻ em di chuyển khắp các bàn để dọn dẹp ly chén rồi mang vào nhà bếp. Người dân Singapore cũng quen dần với việc nhìn thấy robot tại quầy lễ tân bệnh viện hay lau dọn trong siêu thị với hiệu quả không thua kém con người.
Mới đây, Công ty bán lẻ thiết bị công nghệ Newstead Technologies vừa cho ra mắt cỗ máy bán hàng thông minh XYZrobot. Đây được cho là robot bán hàng đầu tiên ở châu Á có khả năng hướng dẫn khách hàng mua sắm, thanh toán trực tiếp bằng thẻ tín dụng và in hóa đơn. Robot có thể hoạt động liên tục trong 8 giờ và chỉ mất
4 giờ để sạc đầy pin. Tập đoàn Đài Loan New Kinpo đã đầu tư 5 triệu USD để phát triển XYZrobot và bán lại cho Newstead Technologies với giá 12.000 USD/máy. Theo dự kiến, Newstead Technologies sẽ triển khai robot bán hàng tại chuỗi cửa hàng của mình từ tháng 8.2017 để thử nghiệm trước khi tung ra thị trường. Tổng giám đốc New Kinpo Simon Shen chia sẻ: “Chúng tôi mạnh dạn đầu tư phát triển XYZrobot do ngày càng nhiều người trẻ không muốn làm công việc lương thấp trong lĩnh vực bán lẻ. Con người chỉ nên làm công việc đòi hỏi trí tuệ cao và robot có thể đảm nhận nhiệm vụ mang tính lặp đi lặp lại, không cần đến trí não”.
Bảo vệ đắc lực
Ngoài robot bán hàng, robot an ninh cũng thu hút sự chú ý của nhiều doanh nghiệp do rất khó tuyển bảo vệ trẻ và có năng lực tại Singapore. Công ty OTSAW Digital vừa trình làng robot O-R3 nặng 80 kg, cao 1,5 m, có 4 bánh xe để tự động tuần tra và phát hiện đối tượng khả nghi nhờ công nghệ cảm biến nhận dạng khuôn mặt. Khi nhận thấy người lạ vào công ty, robot sẽ đối chiếu với cơ sở dữ liệu về nhân viên và phát tín hiệu báo động nếu cần. Trong trường hợp kẻ gian bỏ chạy, một máy bay điều khiển từ xa tích hợp trong thân robot sẽ cất cánh, tiếp tục theo dõi và ghi hình đối tượng làm bằng chứng cung cấp cho cảnh sát. “Bảo vệ” có thể hoạt động suốt 4 – 5 giờ, sạc đầy pin trong 2 giờ và khách hàng có thể thuê với giá 10.000 USD/tháng. “Nhiều công ty ở Singapore và cả Nhật Bản, Hồng Kông đã liên hệ với chúng tôi”, tờ Financial Times dẫn lời Tổng giám đốc OTSAW Digital Ling Ting Ming cho biết. “Một nhân viên bảo vệ mới không thể nhớ hết gương mặt tất cả nhân viên trong công ty nhưng với robot thì là chuyện nhỏ”, ông Ling nói.
Mặt khác, dù đã đạt thành công bước đầu nhưng Cơ quan Phát triển công nghệ thông tin – viễn thông Singapore đánh giá chương trình nhân viên robot vẫn chưa đạt được độ bao phủ như kỳ vọng. Theo chuyên gia James Xia, chính phủ cần tăng cường hơn nữa công tác vận động tuyên truyền về hiệu quả của robot cũng như rót tiền hỗ trợ ngay từ đầu để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư hơn là giải ngân lại sau khi doanh nghiệp triển khai.
Trong khi đó, cũng có ý kiến lo ngại rằng thay vì khuyến khích thanh niên chấp nhận làm nghề phù hợp với khả năng và nhu cầu của xã hội, việc thay thế, bổ sung nhân lực bằng robot có thể khiến thị trường lao động càng thêm khắc nghiệt. Ngoài ra, Giáo sư Chen I-Ming thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) cho rằng robot không thể thay thế con người trong các lĩnh vực đòi hỏi có độ tiếp xúc cao như bán lẻ và chăm sóc khách hàng. “Đó là những nghề đòi hỏi kỹ năng thuyết phục và cảm xúc giữa con người với nhau. Hiện robot chưa thể làm được điều này”, ông nói.
Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này
Email : [email protected]