Search
Thứ 5, 25/04/2024, 00:52 AM
Thứ 2, 09/05/2022, 21:07 PM

Cuộc bầu cử có thể định đoạt quan hệ Philippines với Mỹ - Trung

(Thế giới) - Cuộc bầu cử tổng thống Philippines hôm nay không chỉ tìm ra lãnh đạo quốc gia này, mà còn có thể quyết định quan hệ với hai cường quốc Mỹ - Trung.

Phát biểu tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Trung Quốc sau khi nhậm chức năm 2016, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte báo trước một kỷ nguyên mới trong chính sách đối ngoại của đất nước.

"Nước Mỹ đã thua", ông nói, khẳng định Philippines dưới thời của ông sẽ "nghiêng về phía Trung Quốc".

Cuộc bầu cử có thể định đoạt quan hệ Philippines với Mỹ - Trung

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh hồi tháng 4/2019. Ảnh: AFP.

Dù Tổng thống Duterte sau đó nói rằng ông không có ý định cắt đứt với Mỹ, một đồng minh và đối tác ngoại giao lâu đời của Philippines, ông tiếp tục đe dọa ngưng tập trận chung với Washington, trong khi xoay trục sang Bắc Kinh, hoan nghênh đầu tư từ Sáng kiến Vành đai và Con đường.

6 năm sau, ông Duterte sắp kết thúc nhiệm kỳ và hàng chục triệu cử tri Philippines hôm nay đi bỏ phiếu bầu người kế nhiệm ông. Giới phân tích cho rằng cuộc bầu cử sẽ là cơ hội để Philippines thiết lập lại mối quan hệ với hai cường quốc và kết quả của nó có thể góp phần thay đổi cán cân quyền lực ở châu Á.

Hiện có 10 ứng viên tham gia tranh cử tổng thống, trong đó hai người được dự đoán có cơ hội chiến thắng cao nhất là nghị sĩ Ferdinand Marcos Jr. và Phó tổng thống đương nhiệm Leni Robredo. Trong đó, Ferdinand Marcos Jr., con trai cố tổng thống Ferdinand Marcos, là người được cho có tư tưởng thân thiện với Trung Quốc hơn bà Robredo.

Đối với Mỹ, mối quan hệ với Philippines có vai trò rất quan trọng đối với chiến lược của họ trong khu vực, nơi Washington đang tìm cách đối phó với ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh.

Quan hệ Philippines - Trung Quốc gần đây cũng căng thẳng hơn liên quan đến vấn đề Biển Đông. Manila cáo buộc Bắc Kinh đe dọa các tàu tiếp tế của Philippines và huy động lực lượng dân quân biển để lấn át các tàu đánh cá của nước này. Trung Quốc tiếp tục đơn phương tuyên bố chủ quyền với vùng biển trong "đường 9 đoạn" mà họ tự vẽ ra trên Biển Đông, bất chấp phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) bác bỏ yêu sách này sau vụ kiện của Philippines.

Trong nhiệm kỳ của mình, ông Duterte gần như không quan tâm đến phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực, thậm chí từng tuyên bố tài liệu này chỉ là "giấy lộn".

Giới quan sát cho rằng việc tổng thống Philippines tiếp theo sẽ sử dụng phán quyết này thế nào để ứng phó với tham vọng Biển Đông của Trung Quốc sẽ gửi tín hiệu tới cả Washington và Bắc Kinh, cũng như các nước trong khu vực.

"Philippines có vị thế chiến lược rất quan trọng đối với cả Mỹ và Trung Quốc. Trung Quốc hiện tập trung nhiều cho các vấn đề trong nước, nhưng vẫn tiếp tục mở rộng các hoạt động ở Biển Đông", Joshua Kurlantzick, thành viên cấp cao về Đông Nam Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York, nói.

"Mỹ chắc chắn sẽ rất nỗ lực để xây dựng quan hệ với lãnh đạo tiếp theo của Philippines, đơn giản vì lý do chiến lược. Philippines có tầm quan trọng chiến lược và cũng có mối quan hệ chặt chẽ lâu dài với Mỹ", ông nói thêm.

Cuộc bầu cử có thể định đoạt quan hệ Philippines với Mỹ - Trung

Ảnh ghép hai ứng viên tổng thống Philippines gồm bà Leni Robredo (trái) và ông Ferdinand Marcos Jr. Ảnh: Inquirer

Manila từ lâu đã tìm cách cân bằng mối quan hệ với hai cường quốc và bất kỳ tổng thống Philippines nào lên nắm quyền cũng cần phải điều hướng mối quan hệ với cả hai, đặc biệt sau khi ông Duterte đã công khai xu hướng ngả về Bắc Kinh, theo Simone McCarthy, bình luận viên kỳ cựu của CNN về các vấn đề chính trị Trung Quốc.

Marcos, ứng viên đồng hành cùng con gái ông Duterte là Sara, nhiều năm qua đã kêu gọi Manila giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông với Bắc Kinh bằng cơ chế song phương. Những người phản đối Marcos cho rằng lập trường này của ông là "cúi mình" trước Trung Quốc.

Bắc Kinh từng ca ngợi mối quan hệ với Tổng thống Duterte kể từ chuyến thăm đầu tiên của ông tới Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình tháng trước mô tả đó là "chuyến đi phá băng đánh dấu cột mốc quan trọng trong quan hệ Trung Quốc - Philippines", đồng thời nói rằng Bắc Kinh sẵn sàng không ngừng nâng cấp mối quan hệ.

Thiện chí này dường như mang tới lợi thế cho Marcos, người đã xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với đại sứ Trung Quốc Hoàng Khê Liên trong những tháng gần đây. Ông Hoàng Khê Liên nói trong một sự kiện hồi tháng 10 năm ngoái rằng được gặp ứng viên tổng thống Marcos là một "vinh dự lớn", thêm rằng với tư cách là những người ủng hộ quan hệ hai nước, "chúng tôi cùng nhau mở ra tương lai tươi sáng".

Trong khi đó, căng thẳng giữa Mỹ với cố tổng thống Ferdinand Marcos, bố của ứng viên Marcos, trong giai đoạn ông cầm quyền từ năm 1965 đến 1986 có thể là một rào cản cho quan hệ Mỹ - Philippines trong tương lai. Mỹ từng nhiều lần chỉ trích ông Ferdinand Marcos liên quan đến vấn đề nhân quyền.

Giới phân tích cho rằng nếu Marcos giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, những khúc mắc trong vấn đề này có thể khiến Mỹ không nhiệt tình mời ông tới thăm sau khi nhậm chức. Dù Marcos gần đây nói rằng quan hệ với Mỹ là "đặc biệt", thái độ thiếu nhiệt tình của Washington có thể đẩy Marcos nghiêng về phía Bắc Kinh, theo bình luận viên McCarthy.

Nhưng ông có thể nghiêng về Trung Quốc tới mức nào có thể sẽ tùy thuộc vào phản ứng của công chúng Philippines, những người muốn một đường lối đối ngoại thực dụng nhưng cứng rắn với Bắc Kinh hơn những gì từng xảy ra dưới thời ông Duterte, theo Richard Heydarian, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Bách khoa Philippines.

"Đối với Phó tổng thống Robredo, nếu được bầu làm tổng thống, bà cũng không thể thi hành chính sách đối đầu quyết liệt với Trung Quốc, bởi thực tế là phần lớn người dân và giới chức quân sự Philippines nhận ra những hạn chế của nước này nếu làm như vậy. Rất nhiều người Philippines cũng bày tỏ sẵn sàng ủng hộ mối quan hệ hiệu quả với Trung Quốc", ông nói. Theo Heydarian, bà Robredo cũng cởi mở với phương án tham gia hợp tác kinh tế với Trung Quốc, miễn nó không xung đột với chủ quyền của Philippines.

Trong những năm cuối nhiệm kỳ, ông Duterte dường như cũng tìm cách lấy lại thế cân bằng nhạy cảm trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Ông rút lại những lời chỉ trích gay gắt nhắm vào Mỹ, như tuyên bố chấm dứt thỏa thuận về lực lượng thăm viếng Mỹ ở Philippines, cho phép quân đội tham gia tập trận lớn với Washington và thể hiện giọng điệu cứng rắn hơn với tham vọng Biển Đông của Trung Quốc.

"Thực tế là Trung Quốc đã không đáp ứng được nhiều kỳ vọng của Tổng thống Duterte. Ông đã chấp nhận nhiều nhượng bộ địa chính trị để Trung Quốc đưa ra các cam kết đầu tư ở Philippines, nhưng phần lớn những lời hứa đó đều không trở thành hiện thực", Heydarian nói. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục đưa ra các yêu sách phi lý trên Biển Đông với những hành động quân sự hóa các đảo nhân tạo ngày càng quyết liệt hơn.

Bình luận viên McCarthy cho biết hiện chưa rõ Marcos sẽ xoay trục về Trung Quốc ở mức độ nào nếu đắc cử, khi ông chưa công bố chính sách đối ngoại hoặc giới thiệu ai sẽ là người phụ trách các vấn đề đối ngoại trong chính quyền của ông. Nhưng có những dấu hiệu cho thấy không giống như bà Robredo, Marcos có thể thực hiện chính sách tương đồng với ông Duterte trong vấn đề Biển Đông.

Bà Robredo đã nói rõ trong suốt chiến dịch tranh cử rằng sẽ đối đầu với Trung Quốc thông qua cơ chế đa phương, dựa vào sức mạnh của một số quốc gia thân thiện để "giúp một nước nhỏ như Philippines làm những gì cần thiết để thi hành phán quyết Biển Đông", theo Charmaine Misalucha-Willoughby, phó giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học De La Salle ở Manila, Philippines.

Robredo cho rằng việc Philippines tiến tới một số thỏa thuận với Trung Quốc, như cùng thăm dò dầu khí ở Biển Đông, sẽ phụ thuộc vào liệu Bắc Kinh có thừa nhận phán quyết của PCA hay không.

Trong cuộc tranh luận hồi đầu năm, Marcos tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc khi nói rằng ông sẽ điều tàu chiến tới Biển Đông để bảo vệ tuyên bố chủ quyền của Philippines. Nhưng Marcos không đưa ra bất cứ thông tin chi tiết nào cho cam kết này, khiến nhiều người cho rằng đây chỉ là "tuyên bố suông" của ông để lôi kéo cử tri.

"Marcos đã nhấn mạnh rằng ông sẽ ứng phó với Trung Quốc theo cách song phương hơn. Đó phần nào là những gì Bắc Kinh mong muốn trong vấn đề Biển Đông và một lần nữa đặt Philippines vào vị thế yếu hơn so với đối phương", Aries Arugay, học giả tại Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore, nói.

Arugay cho rằng dù là bà Robredo hay ông Marcos thắng cử, Philippines cũng đều "đứng trước cơ hội lớn để khởi động lại mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, trong đó vấn đề cân bằng chiến lược sẽ được chú trọng".


Top
Điện thoại:

Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved

Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất

Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này

 Email : [email protected]

0.55236 sec| 1840.773 kb