Ngày 3/1/2020, truyền thông thế giới đồng loạt đưa tin về một sự kiện rúng động: Tướng Qassem Soleimani - Tư lệnh Lực lượng Đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bị Quân đội Mỹ sử dụng máy bay không người lái (UAV) ám sát ngay khi vừa đặt chân xuống Sân bay Quốc tế Baghdad ở Iraq.
Lầu Năm Góc ngay sau đó đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công bằng tuyên bố “cuộc không kích được thực hiện theo mệnh lệnh” của Tổng thống Donald Trump nhằm ngăn chặn Iran tiến hành các hành động tấn công vào lợi ích của Mỹ trong tương lai.
"Theo mệnh lệnh của Tổng thống, Quân đội Mỹ đã thực hiện một hành động phòng vệ quyết đoán để bảo vệ các nhân viên Mỹ ở nước ngoài bằng cách tiêu diệt Qasem Soleimani, chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran", thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ khi đó cho biết.
Cùng bị sát hại với tướng Soleimani ngày 3/1/2020 còn có 10 người khác, trong đó có cả một nhân vật cấp cao nữa là ông Abu Mahdi al-Muhandis, Phó chỉ huy Lực lượng tổng động viên Iraq (PMU).
Người Iran xuống đường thương tiếc cái chết của tướng Qassem Soleimani. Ảnh: UPI
Quyết định tiêu diệt tướng Qasem Soleimani bằng máy bay không người lái của ông chủ Nhà Trắng không chỉ gây sốc cho toàn khu vực Trung Đông và thế giới mà còn khiến cả chính giới Mỹ sững sờ.
Theo tờ New York Times, Lầu Năm Góc trước đó đã đệ trình lên Tổng thống Trump một số phương án để ông lựa chọn, gồm cả những kịch bản mà họ cho là cực đoan nhất và ít có khả năng được lựa chọn nhất: Hạ sát tướng Soleimani!
Thế nhưng, khi ông Trump ra “chiếu chỉ”, tất cả các tướng lĩnh Mỹ đều bị choáng, bởi Qasem Soleimani không phải là một nhân vật tầm thường. Ở Iran, ông được coi là quan chức nắm chức vụ “dưới một người nhưng trên vạn người”, thường chỉ tiếp nhận mệnh lệnh trực tiếp từ lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei. Những hậu quả từ vụ không kích có thể sẽ rất khôn lường.
Tuy nhiên, trong phát biểu đầu tiên về sự việc này, Tổng thống Trump thậm chí còn khẳng định tướng Soleimani “lẽ ra đã bị trừ khử từ lâu”.
“Soleimani đã gây chết chóc hoặc gây thương tích nghiêm trọng cho hàng nghìn người Mỹ suốt một giai đoạn dài. Ông ta đang âm mưu giết thêm nhiều người nữa nhưng đã bị phát hiện... Ông ta lẽ ra đã bị trừ khử từ cách đây nhiều năm”, Tổng thống Trump viết trên tài khoản Twitter.
Hành động táo bạo và quyết đoán của Mỹ ngay lập tức nhận được đòn đáp trả khốc liệt từ phía Tehran. Ngày 8/1/2020, Iran đã ồ ạt nã tên lửa tấn công thẳng vào 2 căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq để trả thù cho cái chết của tướng Qasem Soleimani.
Hình ảnh ghi nhận từ vụ Iran tấn công 2 căn cứ ở Iraq có lính Mỹ đóng quân sáng ngày 8/1. Ảnh: Twitter
Lầu Năm Góc cho biết, Iran đã phóng khoảng 16 quả tên lửa đạn đạo tấn công 2 căn cứ Ayn Al-Asad và Erbil ở Iraq, nơi có các lực lượng Mỹ đồn trú. Theo kênh truyền hình CNN, sau vụ tập kích tên lửa, hơn 100 binh lính nước này được chẩn đoán đã bị tổn thương não.
Lầu Năm Góc sau đó cũng đưa ra thông báo xác nhận 109 binh sĩ Mỹ đã được chẩn đoán tổn thương não nhẹ, tăng thêm 45 người so với con số 64 trường hợp mà Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hồi cuối tháng 1/2020.
Cái chết của tướng Qasem Soleimani đã làm dấy lên làn sóng căm phẫn và đòi báo thù khắp đất nước Iran bởi ông là nhân vật chịu trách nhiệm điều hành gần như toàn bộ các chiến dịch quân sự của IRGC trên khắp Trung Đông.
Vậy thực sự thì tướng Soleimani là ai mà quyền lực và tầm ảnh hưởng của ông đối với các lực lượng vũ trang Iran lớn tới như vậy?
Đối với nhiều người bên ngoài Iran, tướng Soleimani chỉ là một kẻ khủng bố “gây ra cái chết và sự hủy diệt” trên khắp khu vực thông qua cánh tay tinh nhuệ của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) - Lực lượng đặc nhiệm Quds.
Thế nhưng, đối với nhiều người Iran, Qassem Soleimani là một anh hùng dân tộc, người đã có công lớn trong việc ngăn chặn tổ chức Nhà nước Hồi giáo cực đoan (IS) đánh chiếm Iraq và xâm lược Iran. Tại Iran, Qassem Soleimani được xếp là nhân vật quyền lực thứ hai, trực tiếp dưới quyền Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei.
Hina Esfanderator, thành viên của Tổ chức Thế kỷ cho biết, “Qassem Soleimani quan trọng hơn cả tổng thống” bởi ông có thể nói chuyện được với tất cả các phe phái ở Iran, có thể liên lạc trực tiếp với lãnh tụ tối cao và chịu trách nhiệm về chính sách khu vực của Iran. Không ai khác có tầm quan trọng và ảnh hưởng nhiều như thế.
"Trong suốt sự nghiệp, Soleimani đã trở thành một trong những lãnh đạo quân sự được kính trọng nhất tại Iran. Ông cũng nổi tiếng là người quyền lực và đầy bí ẩn tại Trung Đông", Babak Dehghanpisheh, cây bút kỳ cựu của Reuters nhận xét.
Theo một cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và An ninh tại Maryland, mức độ nổi tiếng của tướng Soleimani đã tăng từ 73% năm 2016 lên 82% vào năm 2019, khiến ông trở thành nhân vật được yêu thích nhất tại Iran.
Đầu năm 2019, Soleimani đã được Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei trao tặng Huân chương Zulfaqar - Huân chương quân sự cao cấp nhất của Iran.
Tướng Soleimani là nhân vật quyền lực thứ hai tại Iran sau Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei. Ảnh: ABC News
Sinh ngày 11/3/1957 trong một gia đình nghèo khó tại làng Qanat-e Malek ở tỉnh Kerman miền Nam Iran, từ nhỏ Soleimani đã rất thích tập tạ và nghe giảng kinh sách đạo Hồi. Gia nhập lực lượng IRGC vào năm 1979 và chỉ sau 6 tuần huấn luyện, Qasem Soleimani đã được đưa ra mật trận.
Con đường binh nghiệp của tướng Soleimani gắn liền với nhiều cuộc chiến nhưng cuộc xung đột đẫm máu giữa Iran và Iraq, trong đó Mỹ hậu thuẫn cho Iraq, là khoảng thời gian mà tài thao lược của Soleimani được thử lửa. Trong thời gian này, ông là chỉ huy Sư đoàn 41 khi mới ở độ tuổi 20. Thành tích hoạt động ngoại tuyến đã mang về cho ông danh hiệu anh hùng.
Nhờ uy tín, tư duy chiến lược và tài chỉ huy của mình, năm 1998 Qassem Soleimani nhanh chóng được tín nhiệm trở thành Tư lệnh Lực lượng Đặc nhiệm Quds trực thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Quds là lực lượng quân sự đặc biệt tinh nhuệ của Iran, chịu trách nhiệm bảo vệ chế độ Hồi giáo khỏi các mối đe dọa từ cả ở bên trong và bên ngoài. Trong khi đó, IRGC được ví như "quốc gia trong lòng một quốc gia" hay vẫn được biết tới bằng một thuật ngữ khác là "Deep State" (chính quyền ngầm).
Vai trò của IRGC được quy định trong hiến pháp và lực lượng này chỉ tuân thủ mệnh lệnh của nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei. IRGC có tầm ảnh hưởng vô cùng rộng lớn về quyền lực pháp lý, chính trị cũng như tôn giáo.
Tại Tehran, tướng Soleimani vẫn được ví như “vị tư lệnh trong bóng tối” trong suốt thời gian ông giữ chức chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm Quds.
Soleimani rất ít khi xuất hiện trước công chúng nhưng ông lại lập được rất nhiều công trạng trong việc xây dựng chiến lược an ninh quốc gia và đối ngoại của Iran, nhận được tín nhiệm cao không chỉ trong nước mà còn khắp khu vực Trung Đông.
Mức độ ảnh hưởng của tướng Soleimani ở Iraq từng được tiết lộ qua một vụ rò rỉ thông tin ngoại giao: Ông có thể giúp lãnh đạo một cuộc chiến chống lại IS, buộc một Bộ trưởng Giao thông cho phép các máy bay của Iran mang vũ khí bay qua Iraq và thường xuyên dành thời gian gặp gỡ các quan chức chính phủ Iraq.
Mười tám tháng trước khi qua đời, tướng Soleimani từng đưa ra lời cảnh báo công khai tới Tổng thống Mỹ Donald Trump: “Này ông Trump, ông là một con bạc, tôi nói cho ông biết rằng chúng tôi đang ở ngay sát ông, nơi ông không bao giờ ngờ tới. Ông có thể bắt đầu cuộc chiến nhưng chúng tôi sẽ kết thúc nó!”.
Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này
Email : [email protected]