Theo bà Inada, tên lửa của Triều Tiên đã đạt tới độ cao hơn 2.000km trước khi rơi xuống một khu vực trên biển Nhật Bản, cách bờ biển phía đông Triều Tiên khoảng 400km.
Căn cứ trên những thông tin ban đầu này, rất có thể đây là một loại tên lửa đạn đạo mới được Bình Nhưỡng phát triển, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản nhận định.
Trước đó, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (USPACOM) của Mỹ đặt tại Hawaii cũng xác nhận vụ bắn thử xảy ra lúc 5g27 sáng 14-5.
“Chúng tôi đang phân tích xem loại tên lửa nào đã được sử dụng, hành trình bay của nó không giống với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa”, thông báo của USPACOM nêu rõ và cho biết đang trao đổi thêm thông tin với Nhật Bản, Hàn Quốc.
Việc tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đạt tới độ cao 2.000km là điểm đáng chú ý. Nếu thông tin này được xác nhận, nó cho thấy một bước tiến nữa trong công nghệ tên lửa của Triều Tiên, Reuters dẫn lời giới quan sát quân sự.
Để dễ hình dung, có thể so sánh với tên lửa đạn đạo tầm trung Pukkuksong-2 được Triều Tiên bắn thử hồi tháng 2 vừa rồi.
Đây là biến thể mới nhất của tên lửa đạn đạo bắn từ tàu ngầm (SLBM) Pukkuksong-1 do Triều Tiên phát triển.
Tên lửa Pukkuksong-2 đã bay được khoảng 500km, đạt tới độ cao tối đa 550km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản.
Các quan chức quân đội Mỹ và Hàn Quốc đã phải lên tiếng thừa nhận vụ bắn thử tên lửa Pukkuksong-2 hồi tháng 2 đã thành công và là bước tiến đáng kể của Bình Nhưỡng trong công nghệ tên lửa.
Trong một diễn biến khác liên quan, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, sau cuộc họp khẩn với Hội đồng an ninh quốc gia Hàn Quốc, đã lên án động thái bắn thử tên lửa của Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng thử tên lửa dưới thời của tổng thống mới ở Hàn Quốc.
“Tổng thống Moon nói trong khi Hàn Quốc luôn để ngỏ khả năng đối thoại với Triều Tiên, chuyện này sẽ chỉ xảy ra một khi Bình Nhưỡng chịu thay đổi thái độ của họ”, Yoon Young Chan – người phát ngôn của Tổng thống Moon phát biểu trong cuộc họp báo sau phiên họp.
Khác với các loại tên lửa khác, hành trình bay của tên lửa đạn đạo có giai đoạn vượt ra khỏi tầng khí quyển đậm đặc của Trái Đất để lấy độ cao.
Điều này nhằm giúp tên lửa đi được xa hơn, thoát khỏi tầm bắn của các tên lửa phòng thủ. Đây cũng là giai đoạn tên lửa sẽ đạt tới độ cao nhất trong 3 giai đoạn của tên lửa đạn đạo.
Ở giai đoạn cuối, tên lửa đạn đạo sẽ quay trở lại Trái đất và hướng thẳng tới mục tiêu. Đây cũng là giai đoạn các tên lửa phòng thủ sẽ phải “căng mình” bắn hạ tên lửa của đối phương.
Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này
Email : [email protected]