Search
Thứ 6, 26/04/2024, 17:49 PM
Thứ 6, 06/05/2022, 12:13 PM

Trung Quốc nỗ lực tự cường trước nỗi lo bị cô lập

(Thế giới) - Trung Quốc đang nỗ lực củng cố khả năng tự cường cho nền kinh tế, nhằm đề phòng nguy cơ bị cô lập như những gì phương Tây đang làm với Nga.

Trung Quốc gần đây đã đầu tư hàng tỷ USD cho công nghệ sản xuất chất bán dẫn, tăng cường tích trữ ngũ cốc và dầu mỏ, cũng như thiết lập các mối liên kết quốc tế cho hệ thống tài chính của họ. Các động thái này xuất phát từ nỗi lo ngại bị cô lập khỏi nền phương Tây bằng những lệnh trừng phạt nặng nề như cách Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang áp đặt với Nga, theo James T. Areddy, bình luận viên kỳ cựu về các vấn đề Trung Quốc của WSJ.

Trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine tăng nhiệt và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn, Bắc Kinh có thể đối mặt với nhiều lệnh trừng phạt trong trường hợp gia tăng đối đầu với Washington, có thể là về vấn đề Đài Loan, hoặc nếu Trung Quốc thể hiện sự hỗ trợ quan trọng cho Nga trong chiến dịch ở Ukraine.

"Trung Quốc đã nhận ra rằng phương Tây khi đối đầu với Nga đã có những bước đi táo bạo và thể hiện như một mặt trận thống nhất", Eswar Prasad, giáo sư chính sách thương mại tại Đại học Cornell, Mỹ, nhận định.

Trung Quốc nỗ lực tự cường trước nỗi lo bị cô lập

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại sự kiện ở Bắc Kinh, Trung Quốc hồi tháng 10/2021. Ảnh: Reuters.

Nền kinh tế của Trung Quốc lớn hơn Nga rất nhiều, nên sẽ khó bị cô lập hơn. Tuy nhiên, giáo sư Prasad cho rằng từ những gì đang xảy ra ở châu Âu, Trung Quốc có lẽ đã nhận ra một điều rằng họ vẫn có thể bị tổn thương trước các lệnh trừng phạt tài chính, kinh tế và công nghệ của phương Tây.

Trong suốt nhiệm kỳ của ông Tập, ba chính quyền tổng thống Mỹ đã liên tiếp đưa ra các biện pháp trừng phạt với Bắc Kinh, trong đó có những lệnh cấm nhằm vào tập đoàn Huawei và các các công ty bị cáo buộc có với quân đội Trung Quốc. Mỗi động thái như vậy dường như càng thúc đẩy Trung Quốc tìm cách tự cường.

Một ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng bài xã luận cho rằng "độc lập và tự cường đảm bảo cho sự nghiệp của đảng và nhân dân sẽ giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác".

Global Times, tờ báo thuộc People’s Daily, hồi tháng 3 đăng bài viết cho rằng lợi thế của Trung Quốc là có nền sản xuất quy mô lớn.

Trung Quốc cung cấp 1/3 lượng hàng dệt may của thế giới, hơn 27% thiết bị điện tử và gần 20% máy móc, theo dữ liệu từ Trung tâm Phát triển Quốc tế của Harvard. Trung Quốc cũng gần như là nhà xuất khẩu đất hiếm duy nhất để sản xuất các mặt hàng từ kính nhìn đêm cho đến pin xe điện.

Nỗ lực cô lập Trung Quốc như với Nga sẽ không dễ dàng đối với nền kinh tế Mỹ. Phòng Thương mại Mỹ và Rhodium Group năm ngoái công bố ước tính nếu Mỹ từ bỏ một nửa đầu tư vào Trung Quốc, các công ty Mỹ có thể mất 25 tỷ USD hàng năm, trong đó hàng không, hóa chất và y tế bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề. GDP của Mỹ cũng có thể mất khoảng 500 tỷ USD.

Wang Wen, giám đốc Viện Nghiên cứu Tài chính Trùng Dương thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, lập luận rằng phương Tây sẽ khó thực hiện nỗ lực đa phương để tăng sức ép với một nền kinh tế có quy mô gấp 10 lần Nga. Theo Wang, Trung Quốc sẽ vượt qua thách thức nếu bị phương Tây cô lập, giống như cách họ từng làm trong cuộc chiến thương mại với chính quyền cựu tổng thống Donald Trump.

Trung Quốc nỗ lực tự cường trước nỗi lo bị cô lập

Một dây chuyền sản xuất chip ở Nam Xương, Trung Quốc. Ảnh: Zuma Press.

Trung Quốc từ lâu đã nỗ lực củng cố khả năng tự cường. Ông Tập gần đây thường xuyên sử dụng thuật ngữ "tự lực cánh sinh" thời Mao Trạch Đông để mô tả chiến lược phòng vệ cốt lõi của Trung Quốc.

"Phiên bản tự lực tự cường của ông Tập Cận Bình chắc chắn tập trung nhiều vào sản xuất và công nghệ trong nước hơn những gì chúng ta thấy từ các lãnh đạo trước đây", Neil Thomas, nhà phân tích khu vực của công ty chính trị Eurasia Group ở Mỹ, nói.

Khi căng thẳng Ukraine đẩy giá ngũ cốc tăng cao, ông Tập đã thúc đẩy lời kêu gọi tự lực trong sản xuất lương thực. "Ai sẽ nuôi sống Trung Quốc? Trung Quốc cần phải tự lực cánh sinh và tự giúp mình", ông nói với các đại biểu quốc hội ở Bắc Kinh hồi tháng 3.

Là quốc gia có trao đổi thương mại lớn nhất thế giới, để tăng khả năng tự lực tự cường, Trung Quốc phải tìm kiếm những lựa chọn thay thế cho nguồn hàng nhập khẩu, hoặc tạo ra chuỗi cung ứng đáng tin cậy.

Đơn hàng nhập khẩu lớn nhất của Trung Quốc là dầu thô, với 70% nhu cầu được nhập từ nước ngoài. Nguồn cung dầu chủ yếu cho Trung Quốc là những quốc gia ở Trung Đông và châu Phi, vốn đã hưởng lợi từ hỗ trợ tài chính, chính trị của cả Trung Quốc và Nga.

Để bảo vệ nguồn cung dầu, Trung Quốc nhiều năm qua đã đổ tiền đầu tư giúp các nước nghèo nhưng giàu tài nguyên xây dựng cảng biển, đường sắt theo sáng kiến Vành đai và Con đường.

Tuy nhiên, Derek Scissors, thành viên Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho biết những dự án hạ tầng như vậy chỉ cung cấp cho Bắc Kinh mức độ đảm bảo hạn chế nếu Mỹ áp các biện pháp trừng phạt nặng nề.

Trong trường hợp Mỹ quyết định trừng phạt các Trung Quốc như những gì đã làm với loạt ngân hàng Nga, các nước xuất khẩu dầu mỏ sẽ phải đối mặt với lựa chọn ngừng làm ăn với Bắc Kinh, hay bị cắt khỏi nguồn USD mà họ rất cần để giao dịch. "Trong kịch bản nghiêm trọng như vậy, hầu hết Vành đai và Con đường sẽ bị bong tróc", Scissors nói.

Theo các chuyên gia, đồng USD là vũ khí khiến các lệnh trừng phạt của Mỹ trở nên hiệu quả.

Trên lý thuyết, Trung Quốc là đất nước rất giàu có, khi tích lũy 3,2 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối. Nhưng nếu căng thẳng leo thang với Mỹ, nhiều người đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có thể tiếp cận bao nhiêu trong số đó, sau khi chứng kiến Mỹ và đồng minh đóng băng khoảng một nửa trong hơn 600 tỷ USD dự trữ của Nga.

Để tránh kịch bản bị loại khỏi SWIFT, hệ thống giao dịch tài chính quốc tế dựa trên đồng USD, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã nỗ lực xây dựng hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới của riêng mình. Trung Quốc cũng đang làm việc với ngân hàng trung ương các nước để phiên bản kỹ thuật số của đồng nhân dân tệ được chấp nhận rộng rãi hơn.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng hệ thống tài chính song song của Trung Quốc chưa được sử dụng đủ phổ biến để được coi là một giải pháp khả thi trong trường hợp cần thoát lệnh trừng phạt của Mỹ.

Trung Quốc cũng đang tìm cách tăng kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trên lãnh thổ, nhằm tránh kịch bản một làn sóng rút đầu tư ồ ạt dưới sức ép của Mỹ.

Sau khi Nga phát động chiến dịch ở Ukraine, hàng trăm doanh nghiệp đa quốc gia từ chuỗi đồ ăn nhanh, sản xuất ôtô, các công ty dầu mỏ cho tới ngân hàng đều thông báo sẽ rút một phần hoặc hoàn toàn khỏi Nga. Nhưng mối liên kết với thị trường Trung Quốc của nhiều doanh nghiệp đa quốc gia sâu sắc hơn nhiều.

Tổng thống Mỹ Donald Trump năm 2019 từng kêu gọi các công ty Mỹ rút hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc và chuyển nhà máy về Mỹ. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây của Viện Paulson cho thấy sức ép từ chính quyền Trump không tạo nhiều nhiều thay đổi lớn trên thực tế.

Dù tỷ trọng nhập khẩu thiết bị từ Trung Quốc của Mỹ đã giảm từ 42% năm 2018 xuống 32% năm 2021, nghiên cứu cho thấy đây chủ yếu là do Trung Quốc từ bỏ các hoạt động lắp ráp có giá trị gia tăng thấp.

Trung Quốc cũng đã tăng cường phòng thủ pháp lý trước áp lực kinh tế từ bên ngoài. Một trong số đó là luật chống trừng phạt nước ngoài, nhằm cung cấp cơ sở pháp lý để trả đũa các cá nhân hoặc công ty làm tổn hại lợi ích quốc gia Trung Quốc.

Tuy nhiên, công nghệ cao như chất bán dẫn có thể là điểm yếu lớn nhất của "pháo đài kinh tế" Trung Quốc, khi nước này vẫn phụ thuộc nhiều vào Mỹ. Do 1/4 hàng công nghệ xuất khẩu của Trung Quốc phụ thuộc vào nguồn linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài, tác động đối với nền kinh tế Trung Quốc sẽ tệ gấp 3 lần so với những ảnh hưởng mà Mỹ và EU phải gánh chịu khi cắt đứt với thị trường nước này, theo Innes McFee, nhà nghiên cứu của Oxford Economics ở Anh.

Trung Quốc hoàn toàn đủ khả năng tự sản xuất pin mặt trời hay pin xe điện, nhưng nước này vẫn phụ thuộc vào nước ngoài trong các công nghệ tiên tiến như sản xuất động cơ phản lực cho máy bay hoặc các phần mềm vận hành thiết bị sản xuất chất bán dẫn, theo Dan Wang, nhà phân tích công nghệ tại Gavekal Dragonomics. "Trung Quốc không phải là pháo đài bất khả xâm phạm", Dan nói.


Top
Điện thoại:

Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved

Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất

Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này

 Email : [email protected]

0.63423 sec| 1840.414 kb