Trong danh sách những khu đất “vàng” bị đề nghị thanh tra mà Bộ Tài chính đưa ra gần đây đều là đất thuộc sở hữu của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần. Sau khi chuyển đổi, các khu đất này được nhà đầu tư sử dụng để triển khai nhiều dự án bất động sản, dự án nhà ở để bán. Điều đáng nói trong số này, cơ quan chức năng phát hiện một số dự án có dấu hiệu không thực hiện đúng mục đích đầu tư, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đất đai và xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa sát với giá trị thị trường làm thất thu ngân sách nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, đã có hàng triệu tỷ đồng của Nhà nước bị thất thoát do cung cách quản lý đất công còn nhiều bất cập và kẽ hở trong thời gian qua. Ảnh: Minh Thư
Đơn cử, tại Hà Nội, có ý kiến cho rằng, giá đất giao dịch thực tế quanh khu vực 60B Nguyễn Huy Tưởng lên đến 100-200 triệu đồng/m2, cao gấp 4- 6 lần so với giá đất mà Hà Nội phê duyệt cho dự án này. Hiện khu đất ở 60B Nguyễn Huy Tưởng đã và đang thực hiện dự án tổ hợp dịch vụ, thương mại, văn phòng và chung cư có tên chung cư cao cấp PVV Tower, cao 23 tầng do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Vinaconex và Tổng công ty Dược Việt Nam làm chủ đầu tư.
Trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, ở TP.HCM có hàng ngàn khu đất công trong quá trình cổ phần hóa hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã bị thất thoát do các doanh nghiệp thâu tóm. Còn nếu tính trên cả nước thì con số này sẽ còn lớn hơn rất nhiều. Có những khu đất trong quá trình hóa giá đã bị giảm giá trị khoảng 2-3 lần so với giá trị thực tế tính theo giá thị trường.
Ông Đực dẫn chứng, việc bán đấu giá khu đất ở Lê Duẩn, vốn là khu đất của Công ty Xổ số kiến thiết TP.HCM vào năm 2015. Khu đất vàng này rộng 3.000m2, nằm ở cung đường “hot” bậc nhất Sài Gòn với hai mặt tiền đường Lê Duẩn và Nguyễn Du. Theo định giá ban đầu, khu đất có giá gần 600 tỷ đồng, nhưng khi đưa ra đấu giá thì khu đất này đã được trả giá cao gấp 2,6 lần so với giá ban đầu.
“Tôi cho rằng, đã có hàng triệu tỷ đồng của Nhà nước bị thất thoát do cung cách quản lý đất công còn nhiều bất cập và kẽ hở trong thời gian vừa qua. Tôi đã từng đề cập nhiều lần về câu chuyện hóa giá bán chỉ định đất công làm mất hàng triệu tỷ đồng, hay câu chuyện xây dựng và chuyển giao BT, đổi đất lấy hạ tầng cũng đã gây ra những thất thoát lớn, trong khi Nhà nước rất khó khăn về ngân sách, tiềm lực tài chính còn yếu. Nếu làm rõ những trường hợp mua bán, chuyển đổi đất công sẽ thấy hầu hết đều có thất thoát từ vài trăm tới hàng nghìn tỷ đồng”, ông Đực nói.
Ông Phạm Sỹ Liêm, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng tỏ ra vô cùng tiếc nuối khi có nhiều khu đất “vàng” ở Hà Nội không phải của doanh nghiệp chuyển đi nhưng người ta vẫn tìm cách chuyển đổi để xây dựng dự án bất động sản, nhà ở để bán.
“Cứ nói Hà Nội thiếu cây xanh nhưng cứ thừa miếng đất nào là bán, nhất là đất “vàng” để cho các nhà kinh doanh làm bất động sản. Còn muốn làm công viên, hồ điều hòa thì lại đi thu hồi đất người ta đang ở yên lành rồi đền bù với giá thấp để xây dựng đang là thực tế”, ông Liêm nói.
Vì thế, theo ông cần chuyển đổi mục đích mảnh đất nào thì nên căn cứ vào quy hoạch. Đồng thời cần đấu giá theo giá thị trường chứ không nên có chủ trương giao hay chỉ định đất công. Làm như thế thì chắc chắn xảy ra tình trạng thất thoát nguồn lực của nhà nước khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất “vàng”.
“Tôi cho rằng, các cơ quan nhà nước và Quốc hội cần giám sát chính quyền vì nếu không giám sát chính quyền muốn điều chỉnh thế nào là điều chỉnh, trong khi đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng hiện nay cứ được sử dụng phục vụ lợi ích nhóm”, ông Liêm nói thêm.
Ông Phạm Sĩ Liêm và ông Nguyễn Văn Đực đều cho rằng đề xuất đề nghị thanh tra các khu đất “vàng” của Bộ Tài chính là rất đúng đắn để làm rõ quá trình chuyển đổi, bán chỉ định hoặc hóa giá có phạm luật hay không, có trục lợi hay không?
Đồng thời, cần phải sớm thanh tra rõ ai là người có trách nhiệm, ai là người trục lợi trong những câu chuyện này để ngăn chặn hiện tượng này tiếp tục xảy ra.
“Tôi vẫn luôn cho rằng, những khu đất công khi được chuyển đổi đều phải được đấu giá công khai, minh bạch, không ưu tiên cho bất cứ ai và lợi ích lớn nhất phải thuộc về Nhà nước. Doanh nghiệp Nhà nước được giao quản lý, sử dụng đất công khi phải di dời thì tài sản là đất đai giao lại cho Nhà nước quản lý, Nhà nước đền bù bồi thường cho tài sản nhà xưởng mà doanh nghiệp xây dựng trên đó. Khu đất này sẽ được đấu giá công khai để thu lại cho ngân sách nhà nước khoản thu đúng với giá trị thực tế của nó”, ông Đực nói.
Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này
Email : [email protected]