- Trong nước
- Thế giới
- Kinh tế
- Bất động sản
- Pháp luật
- Giải trí
- Du lịch
- Ẩm thực
- Sức khoẻ
- Công nghệ
- Xe 360
- Đời sống
Đây là đề tài nhiều cha mẹ vẫn tiếp tục tranh luận. |
'Hết tiền, mẹ ra ATM mà rút'
Ngày nay, vẫn có những ông bố bà mẹ tự hào: “Con tôi 9-10 tuổi rồi mà khờ lắm, chả biết tiền là gì đâu, cầm 100 ngàn cũng như cầm 10 ngàn thôi”. Thật ra, đứa trẻ không hiểu gì về tiền sẽ nghĩ tiền rất dễ kiếm và tiêu xài hoang phí, hoặc sẽ không biết ứng xử với tiền sao cho hiệu quả.
Tệ hơn, trẻ không biết rằng, để có được đồng tiền, người ta phải chăm chỉ làm việc. Trẻ cứ tưởng tiền ở đâu đó, chỉ việc đến lấy về. Con của bạn tôi đòi mẹ mua món đồ chơi đắt tiền, mẹ giải thích rằng món này vượt quá khả năng chi trả của mẹ, đứa trẻ vẫn khóc và bảo mẹ hết tiền thì ra cây ATM mà rút.
Đối với bé, chả cần làm việc gì cả, hết tiền ra cây ATM là có tiền, đơn giản vậy mà mẹ lại không mua đồ chơi cho mình. Trường hợp khác, bé bảo mẹ đến gặp sếp mà lấy tiền, như thể sếp có trách nhiệm phải cung cấp tiền cho mẹ mình khi hết vậy.
Sớm hay muộn gì đứa trẻ cũng phải làm quen với khái niệm tiền bạc, vậy tại sao chúng ta không cho trẻ tiếp cận sớm để con biết giá trị của đồng tiền và dạy trẻ làm sao để quản lý và có kế hoạch chi tiêu hợp lý?
Kiếm tiền và sáng tạo
Tuần trước, tôi đã thấy một hình ảnh rất dễ thương trên facebook khi chị bạn chia sẻ câu chuyện con trai chị xin sách báo cũ, xin hoa giấy mẹ làm cùng đồ cũ nhà không sử dụng, đồ chơi không còn chơi... cậu cho hết vô giỏ.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Cuối tuần, thay vì chơi game hay xem ti vi, cậu bé đem đồ xuống công viên trong khu chung cư, trải báo và bày “hàng” ra, bên cạnh để cái bảng giấy viết nguệch ngoạc: “Con bán đồ cũ, xin mời mua”. Tấm hình cậu bày hoa, báo, đồ chơi cũ gọn gàng và chăm chút rất dễ thương. Mẹ cậu kể, cậu bán rất đắt hàng, các cô trong chung cư không chỉ mua vì vui, mà còn vì những món hàng còn có ích.
Một bạn nhỏ khác còn biết tự làm đồ chơi, đèn pin giấy, quạt giấy để mang vô lớp chơi và bán cho các bạn tạo thành “xu hướng” đồ chơi tự làm của lớp. Con trai tôi thì biết đem truyện của mình lên lớp cho các bạn thuê đọc, biết tìm hiểu làm thế nào để được casting đóng video quảng cáo.
Tiền kiếm được thì để dành tiết kiệm chứ không phải tiêu hoang vung vãi. Điều đó cho thấy con cái chúng ta có đầu óc nhanh nhạy, biết chơi và sáng tạo những thứ hữu ích và có giá trị.
Quản lý tiền từ nhỏ
Con trai của tôi từ nhỏ đã biết để dành tiền tiền lì xì và tự chi những khoản nhỏ như tiền quà vặt hoặc tự mua cây bút, cục gôm mà mình thích; nếu cần mua thứ gì có giá trị thì trước khi mua phải tham khảo ý kiến của cha mẹ.
Nếu trẻ làm chủ số tiền của mình khi chi tiêu đúng mục đích và được khen, trẻ sẽ thấy vị thế của mình lớn hẳn trong mắt người khác và sẽ tự tin hơn. Trẻ sẽ có tâm lý tích cực hơn trong việc tiết kiệm, làm lớn số tiền mình đang có và chi xài thông minh, hợp lý. Đó chính là bạn đã tạo tiền đề tốt cho ý thức kiếm tiền, chi xài hợp lý và không ỷ lại, dựa dẫm vào bố mẹ hoặc người khác khi trẻ lớn lên.
Thêm một điều nữa, khi trẻ rõ khái niệm về tiền thì trẻ có ý thức kiếm tiền. Khi có ý thức kiếm tiền trẻ sẽ biết quý trọng công sức của mình, sẽ chi xài có kế hoạch. Bạn sẽ ngạc nhiên khi một đứa trẻ mười một tuổi, cha mẹ không cho tiền tiêu vặt nhiều và thường xuyên, nhưng lại có tiền sắm cho mẹ quà sinh nhật là nhẫn vàng hẳn hoi.
Bạn sẽ còn bất ngờ hơn nữa là cậu ấy còn lên kế hoạch kiếm tiền và dành dụm để mua bộ đồ thí nghiệm hóa học và bàn chỉnh nhạc điện tử chuyên nghiệp. Đó toàn là những thứ cậu yêu thích và cậu có trách nhiệm với niềm đam mê của mình chứ không đòi hỏi, làm phiền cha mẹ. Con cái chúng ta giỏi thật, chỉ cần bạn hướng dẫn và tin tưởng, chúng sẽ không làm bạn thất vọng đâu.
Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này
Email : [email protected]