- Trong nước
- Thế giới
- Kinh tế
- Bất động sản
- Pháp luật
- Giải trí
- Du lịch
- Ẩm thực
- Sức khoẻ
- Công nghệ
- Xe 360
- Đời sống
Không cần phải đánh, mắng hay chửi bới, nhiều đứa trẻ có thể bị rơi vào trạng thái trầm cảm chỉ vì bị bố mẹ từ chối, so sánh với trẻ khác hay giễu cợt con...Các chuyên gia cảnh báo nhiều đứa trẻ đang bị bố mẹ bạo hành cảm xúc hàng ngày mà không hề hay biết.
Thời gian gần đây, chị Trần Thị Quỳnh (Đội Cấn – Ba Đình – Hà Nội) bị stress vì cậu con trai 6 tuổi ngoan ngoãn bỗng tự dưng ngang bướng, quậy phá. Chị Quỳnh cho biết, nhà có 2 đứa, đứa bé 4 tuổi, bình thường đứa lớn rất nhường nhịn và quan tâm em, nhưng đợt này lại quay ra thích trêu trọc em, làm cho em khóc.
Không những thế con thường xuyên chống đối, nói và hành động ngược lại những “chỉ thị” của bố mẹ. Mỗi lúc thấy chị bận rộn làm việc nhà là con xông vào quấy rối để mẹ không làm việc được. Quát mắng con không hề khóc, phạt cũng chỉ câng câng mặt lên thách thức. Cũng bởi vì thế, nhà chị cũng nào cũng ầm ĩ tiếng chị quát tháo đứa lớn, tiếng khóc lóc của đứa nhỏ. Một thời gian, thấy con càng ngày càng lười ăn, ngủ cũng thường giật mình hoảng hốt, người sụp đi trông thấy mặc dù chẳng ốm đau gì chị Quỳnh mới hoảng hốt đưa con đi khám.
Nhiều trẻ trầm cảm, stress, quấy phá vì bị "bạo hành" tinh thần (minh họa: IT)
“Bác sĩ ở Viện Nhi nói con không có vấn đề gì về dinh dưỡng, sức khỏe nên khuyên mẹ đưa con đi khám tâm lý. Mình khá hoang mang, không biết mình đã làm gì khiến con bị ức chế tâm lý đến hoảng loạn bữa ăn giấc ngủ như vậy” – chị Quỳnh nói.
Tương tự, chị Trần Thị Phượng (Quan Hoa – Cầu Giấy – Hà Nội) cũng phải tìm đến bác sĩ và chuyên gia tâm lý để can thiệp giúp con gái 4 tuổi của mình khỏi bị khủng hoảng tâm lý. Chị Phượng cho biết do thời gian gần đây công việc công ty chị nhiều hơn, trong khi một mình chị phải “đánh vật” với 2 đứa trẻ (1 đứa 2 tuổi, 1 đứa 4 tuổi) do bà nội đã về nên chị bị quá tải. Buổi chiều mỗi khi đón con từ lớp về là chị lại vứt cho con bé cái ipad, con lớn cái điện thoại để mình có thời gian... thở và làm việc nhà.
Những lúc con hỏi han và lôi kéo chị chơi cùng thì chị luôn gạt đi và nói với con “Đừng làm phiền mẹ, mẹ đang bận, con chơi cùng em đi...con chơi điện thoại đi.... rồi quát tháo sao con không hiểu mẹ nói à? Con thật không ra gì cả...”. Dần dà con chị quay ra thờ ơ với những lời nói của mẹ, thường xuyên gào thét, ăn vạ. Nhiều hôm nửa đêm cũng dậy gào thét đến 2 – 3 tiếng đồng hồ, bố mẹ dỗ không được, càng quát càng gào to, kể cả dọa nạt cũng không làm bé dừng lại. Vợ chồng chị Phượng phờ phạc vì mất ngủ hàng đêm do con khóc.
“Đến khi đi khám bác sĩ tâm lý bảo con bị trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, mình mới cảm thấy hối hận vô cùng vì chính bố mẹ đã trực tiếp “hành hạ” con mà không biết” – chị Phượng nói.
Theo các chuyên gia tâm lý cho rằng, “bạo hành” tinh thần đối với trẻ nhiều khi còn có hậu quả nghiêm trọng hơn bạo hành thân thể. Bởi lẽ, hành động “bạo hành” tinh thần diễn ra ngày một trong thời gian kéo dài mà chính bố mẹ không hề hay biết .
Theo phân tích của Ths Trần Hiền – Chuyên gia tâm lý giáo dục tại Tp Hồ Chí Minh, khi con có yêu cầu được nói chuyện, bày tỏ cảm xúc với bố mẹ mà bố mẹ lờ đi, hoặc khiến trẻ có cảm giác mình làm phiền bố mẹ, điều này sẽ khiến con có cảm giác bị bỏ rơi. Sau đó là hành động quát mắng, so sánh con với đứa trẻ khác cũng khiến con bị ức chế. Thậm chí, khi con khóc, bố mẹ không tìm hiểu nguyên nhân, không thừa nhận cảm xúc đó của con mà bắt con “nín đi, đừng khóc” cũng khiến con cảm thấy không nhận được sự đồng cảm và hiểu rằng cảm xúc của mình là không đúng....
“Đặc biệt khi nóng giận, bố mẹ không thể kìm nén cảm xúc sẽ nói ra những điều khiến trẻ bị tổn thương. Tất cả những điều nhỏ nhặt này diễn ra hàng ngày sẽ khiến trẻ stress, trầm cảm, thiếu tin tưởng vào bố mẹ” – vị chuyên gia nói.
Để “tiết chế” cảm xúc, không nóng giận và nói ra những lợi tổn hại đến trẻ, TS Vũ Thu Hương – giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội khuyên: “Khi bắt đầu cảm thấy lên cơn nóng, bố mẹ hãy ngay lập tức đi uống 1 ly nước.Trong lúc uống, chúng ta cùng suy nghĩ nhé. Ồ, chúng ta ép buộc lũ trẻ ra đời. Chúng ta đâu có hỏi ý kiến chúng xem có muốn ra đời hay không trước khi đẻ chúng đâu. Và việc chúng chưa ngoan rõ ràng đó là lỗi tại chúng ta chưa dạy con đúng cách hoặc chưa đủ, đâu phải lỗi tại chúng. Việc con sai quấy là do phương pháp giáo dục của chúng ta sai chứ không phải do con”. Bà Hương cũng cho rằng chỉ khi bình tĩnh bố mẹ mới có thể tìm ra cách giải quyết tốt nhất mà không tổn hại đến trẻ
Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này
Email : [email protected]