- Trong nước
- Thế giới
- Kinh tế
- Bất động sản
- Pháp luật
- Giải trí
- Du lịch
- Ẩm thực
- Sức khoẻ
- Công nghệ
- Xe 360
- Đời sống
Chiều 11/5, trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri và người dân trước kỳ họp thứ ba, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết dư luận xã hội đặc biệt quan tâm và băn khoăn với đề xuất Lịch sử là môn tự chọn ở bậc THPT. Cử tri cho rằng việc này có thể gây "hậu quả, hệ lụy khó lường". Dẫn thực tế ở một số quốc gia có nền văn hóa tương đồng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, cử tri cho rằng các nước này đều duy trì hoặc đưa trở lại môn Lịch sử vào chương trình bắt buộc.
Vì vậy, Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét một cách thận trọng chương trình cải cách giáo dục phổ thông, nhất là đưa Lịch sử thành môn học tự chọn ở cấp THPT. "Cần đổi mới cách dạy và học để nâng cao chất lượng, chứ không nên để Lịch sử là môn tự chọn", ông Chiến nói và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo rà roát, nghiên cứu nghiêm túc, cầu thị để có giải pháp phù hợp.
Ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: Media Quốc hội
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, nội dung này Quốc hội đã giao cho Ủy ban Văn hóa Giáo dục nghiên cứu. Ban sẽ tổ chức thêm tọa đàm cùng chuyên gia và tham khảo ý kiến đại biểu Quốc hội. Dự kiến ngày 22/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp toàn thể để thảo luận vấn đề này.
Ông Vinh khẳng định tính cần thiết của môn học Lịch sử, nên xem xét là "môn học đặc thù, môn học đặc biệt quan trọng và nên theo hướng là bắt buộc".
Báo cáo thêm về nội dung này, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, sau khi có ý kiến về môn tự chọn, môn tổ hợp..., Bộ đã tiếp thu để điều chỉnh, báo cáo với Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền.
Theo Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018, từ năm học 2022-2023, Lịch sử trở thành một trong những môn học tự chọn với lớp 10 cấp THPT. Điều này dẫn tới những ý kiến trái chiều trong dư luận thời gian vừa qua.
Tham gia đóng góp ý kiến trước kỳ họp Quốc hội thứ ba hôm 8/5, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ đồng tình giữ nguyên môn Lịch sử trong chương trình bắt buộc. Ngành giáo dục cần nhấn mạnh vai trò của môn này trong giáo dục thay vì đưa ra ngoài chương trình bắt buộc.
Ông Lê Mã Lương, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét thận trọng, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về việc đưa Lịch sử bậc THPT là môn tự chọn. Đây là hành trang vững vàng cho học sinh tốt nghiệp THPT. Khi vào đại học, chỉ có một số trường đào tạo chuyên sâu về lịch sử, còn đa số chỉ là học lướt qua.
Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, dự kiến khai mạc vào ngày 23/5, kết thúc ngày 17/6.
Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này
Email : [email protected]