- Trong nước
- Thế giới
- Kinh tế
- Bất động sản
- Pháp luật
- Giải trí
- Du lịch
- Ẩm thực
- Sức khoẻ
- Công nghệ
- Xe 360
- Đời sống
Thường thì vào đầu năm học câu chuyện thu chi tại các trường lại trở thành chuyện nóng, thế nhưng nếu câu chuyện đó được giải quyết một cách nhanh chóng, rõ ràng, minh bạch thì các bên sẽ sớm đi đến sự đồng thuận và ngược lại nếu sự việc không được giải quyết thì sẽ tiếp tục dây dưa và gây bức xúc cho các bậc phụ huynh suốt cả năm học.
Như chúng ta thấy, dù đã có đầy đủ các nghị định, quy định của ngành giáo dục liên quan đến trách nhiệm các bên như là ban giám hiệu nhà trường, đại diện cha mẹ phụ huynh, thậm chí chi tiết đến cả mức trần của từng khoản thu nhưng vẫn liên tục xảy ra những bất đồng về mức thu chi. Vậy nguyên nhân là đâu?, việc thưc thi đã được làm đúng theo quy định hay chưa?
Từ lâu các cuộc họp phụ huynh đầu năm đã được các bậc phụ huynh học sinh gọi vui là đi nộp tiền, họp tiền, đi học là phải đóng tiền là chuyện đương nhiên nhưng các khoản tiền sẽ được vẽ ra mà không biết từ đâu? Do ai quyết định? chỉ biết là đến hạn thu thì phải đóng. Đa phần phụ huynh bức xúc khi họ lại phải đóng góp cho con em mình nhiều khoản phí vô lý và trái với quy định. Đằng sau dòng chữ “tự nguyện”, “thỏa thuận”, hay “ xã hội hóa” của các trường tung ra là hàng loạt các khoản thu với đủ tên gọi.
Cụ thể, tại trường Tiểu học Đặng Cương, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng, năm học 2017-2018 các phụ huynh cũng kêu than về các loại phí phải đóng đầu năm học. Cụ thể, đối với học sinh lớp 1, các phụ huynh phải đóng 14 khoản tiền như: ủng hộ cơ sở vật chất, câu lạc bộ hè 2 triệu 650 nghìn đồng; sách giáo khoa 805 nghìn đồng; kỹ năng sống 1 triệu đồng /1 năm; Tiếng Anh 2 triệu đồng… và nhiều khoản thu khác với tổng cộng là hơn 10 triệu đồng /1 học sinh.
Với học sinh lớp 4 và lớp 5, các loại phí đầu năm học cũng lên tới 6 triệu đồng với nhiều khoản thu như: trải nghiệm sáng tạo, hoạt động ngoài giờ kỹ năng sống, tạp phí, lao động, bảo vệ hỗ trợ chuyên môn, tăng giờ; sinh hoạt hè… như vậy số tiền mà các học sinh phải nộp là quá lớn cho một địa phương có thu nhập bình quân là 30 triệu/người/năm.
Bà Nguyễn Thị Nhiệm, phụ huynh học sinh trường Tiểu học Đặng Cương bức xúc nói: “Tiền chuyên đề 560 nghìn của một năm không biết chuyên đề gì. Cô giáo nói là Bộ Giáo dục- Đào tạo chưa triển khai, bây giờ cứ thu như vậy rồi đợi Bộ triển khai sau. Về việc trải nghiệm, trường bắt các cháu đóng 640 nghìn nhưng đến khi các cháu đi thì lại thu của mỗi cháu thêm 170 nghìn nữa cho cuộc đi đó”.
Không chỉ các khoản thu tiền triệu khiến phụ huynh “oằn lưng” với tiền trường mà còn nhiều những khoản thu nhỏ cũng gây không ít thắc mắc vì sự vô lý. Một phụ huynh trường mầm non Hoa Trạng Nguyên, Chương Mỹ, Hà Nội phản ánh, trường có khoản thu: điện, nước, giấy vệ sinh, xà phòng là 600.000đồng/cháu/năm (50.000đồng/tháng). Theo phụ huynh này, mỗi 1 lớp có từ 30-35 cháu như vậy mỗi tháng các cháu phải chi 1,5 triệu đồng tiền điện nước và giấy vệ sinh là vô lý.
Ở các vùng quê, như ở trường THCS thị trấn Quất Lâm, tỉnh Nam Định, mức đóng góp nhẹ nhàng hiện cũng đã lên tới vài 3 triệu đồng. Được biết, vào đầu năm học mới, học sinh trường THCS Quất Lâm phải nộp gần 20 khoản đóng góp, riêng khoản xã hội hóa lên tới 450.000 đồng. Năm nay, ngoài máy tính, máy chiếu, nhà trường còn đề xuất lắp thêm hệ thống camera giám sát. Ban đầu trường dự định thu 600.000 đồng/học sinh, sau trường giảm xuống còn 300.000 đồng. Dù mới thông báo là đề xuất, nhưng trên thực tế, dàn camera đã được lắp đặt ngay ngắn trong lớp.
Từ mục đích tăng cường mối liên hệ giữa gia đình và nhà trường để nâng cao giáo dục cho học sinh thì nay các cuộc họp dành phần lớn thời gian để thông báo, thảo luận các khoản thu, chi mà các bậc phụ huynh phải đóng góp. Không dám lên tiếng để rồi sau mỗi cuộc họp dù không đồng tình, ấm ức thì phụ huynh cũng không dám lên tiếng chỉ vì lo con em mình không nhận được sự quan tâm của thầy cô giáo. Chuyện không dám nói là chuyện có thật, việc phụ huynh bức xúc là chuyện có thật, chuyện phu huynh vẫn phải cầm tiền đi nộp dù không đồng ý cũng là chuyện có thật.
Thực tế, các cơ quan quản lý đã quy định cụ thể các khoản, các mức đóng góp nhưng các trường vẫn “vận dụng” chính sách xã hội hóa giáo dục thành các hình thức thu thỏa thuận, thu tự nguyện.
Các khoản thu đầu năm không chỉ là gánh nặng tài chính cho các gia đình, nhất là những gia đình ở vùng nông thôn, khó khăn, mà còn gây bức xúc vì phụ huynh buộc phải “tự nguyện” đóng góp những khoản thu “trời ơi”, không phục vụ trực tiếp cho việc học tập của con em tại trường.
Trước vấn đề về chống lạm thu đầu năm học, nhiều lãnh đạo nhà trường và phụ huynh cùng nhấn mạnh đến yếu tố công khai, minh bạch, dân chủ trong các khoản thu, chi tự nguyện, theo ý kiến của nhiều phụ huynh, các trường cần công khai các khoản thu ngay từ đầu năm học mới, không nên thu nhiều khoản cùng một lúc. Các khoản thu tự nguyện phục vụ trực tiếp cho học sinh học tập, sinh hoạt của học sinh cần được thảo luận công khai, lấy ý kiến rộng rãi của phụ huynh toàn trường, tránh dựa vào ý kiến thiểu số của một bộ phận phụ huynh để quyết định, không phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh chung của gia đình các học sinh, gây bức xúc và tạo gánh nặng cho nhiều gia đình. Đồng thời nhà trường phải công khai mức thu, chi đảm bảo theo đúng quy định.
Hay như kinh nghiệm của TP Đà Nẵng đã xây dựng quy định chặt chẽ về các khoản phí phải đóng vào đầu năm học, yêu cầu các trường công khai thu, chi và không thu thêm các khoản bên ngoài. Về việc vận động, quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, TP Đà Nẵng cũng có văn bản quy định mức đóng cụ thể cho từng cấp học. Còn tại Hà Nội,Sở GD&ĐT Hà Nội cũng công bố số điện thoại đường dây nóng 01695122753 để nhân dân phản ánh các hiện tượng thu chi không đúng quy định tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu, ngoài các khoản thu theo quy định, nhà trường không được thực hiện hoặc đề nghị Ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện các khoản thu khác từ phụ huynh – học sinh dưới bất kỳ hình thức nào, không tùy tiện lập các quỹ hoặc để Ban đại diện cha mẹ học sinh lập quỹ ép buộc học sinh đóng góp dưới danh nghĩa đóng góp tự nguyện.
Nhưng trên hết, các bộ, ngành, chức năng,Sở GDĐT phải tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức, chỉ đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành việc triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học của các đơn vị trường học; nâng cao vao trò hiệu quả của hoạt động tự kiểm tra của thủ trưởng các đơn vị nhằm kịp thời chấn chỉnh các hạn chế, thiếu sót, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Tiến hành thanh, kiểm tra các khoản thu đầu năm học, nhất là các khoản thu ngoài quy định, theo tinh thần tự nguyện ( xã hội hóa, hội phí…), đồng thời xử lý nghiêm các trường không thực hiện, không có cá nhân nào bị xử lý thì chống lạm thu đầu năm học vẫn sẽ là câu chuyện dài mà thiệt thòi chỉ dành cho phụ huynh học sinh.
Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này
Email : [email protected]