- Trong nước
- Thế giới
- Kinh tế
- Bất động sản
- Pháp luật
- Giải trí
- Du lịch
- Ẩm thực
- Sức khoẻ
- Công nghệ
- Xe 360
- Đời sống
Đủ “chiêu”
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM năm nay áp dụng ít nhất bốn phương thức tuyển như: tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh; ưu tiên xét tuyển với học sinh (HS) các trường THPT chuyên, năng khiếu trong cả nước; xét tuyển theo phương thức đánh giá năng lực riêng của ĐHQG TP.HCM và xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia.
Tương tự, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng mở rộng các đối tượng ưu tiên tuyển thẳng. Theo đó, các đối tượng HS giỏi, HS lớp chuyên, trường chuyên, trường có thành tích thi cử nằm trong tốp 200 trên cả nước theo tiêu chí kỳ thi THPT quốc gia sẽ được ưu tiên trong xét tuyển. Ngoài ra, trường này còn ưu tiên cho cả những TS thuộc các trường THPT có hợp tác về hướng nghiệp - tuyển sinh - đào tạo với trường.
Xét tuyển thẳng vào ĐH với những TS có các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế - phương thức lâu nay vẫn xa lạ ở Việt Nam, thì trong mùa tuyển sinh 2017 sẽ trở thành hiện thực.
Do trường đại học được thành lập quá nhiều, chỉ tiêu tuyển sinh ĐH ngày càng nhiều, chất lượng đào tạo kém nên nhiều trường ĐH ngày càng vắng thí sinh- Ảnh: Phùng Huy |
Thậm chí TS còn được cấp học bổng, nếu có nguyện vọng vào các ngành tiếng Anh của trường ĐH Sư phạm kỹ thuật và các ngành Nhật, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc, tâm lý học, tâm lý học giáo dục, công tác xã hội, quốc tế học của ĐH Sư phạm TP.HCM.
Điểm đáng chú ý của mùa tuyển sinh năm nay là sự “nở rộ” hàng trăm “tổ hợp môn xét tuyển” (ngoài các khối thi truyền thống) kiểu như: lý-hóa-sinh, toán-lý-sinh, toán-sinh-Anh, toán-khoa học tự nhiên-địa, toán-lý-văn, toán-hóa-văn, văn-toán-địa, toán-địa-Anh, toán-khoa học tự nhiên-Anh, văn- khoa học xã hội-Anh, toán-văn-khoa học xã hội, toán-khoa học xã hội-Anh, toán-hóa-các ngoại ngữ, toán-sinh-các ngoại ngữ, văn-sử-giáo dục công dân…
Bộ GD-ĐT cũng đã bật đèn xanh, thậm chí là yêu cầu các trường phải sáng tạo ra nhiều “tổ hợp môn thi”, mỗi ngành có thể sử dụng đến bốn tổ hợp môn thi/bài thi để xét tuyển.
Theo phương án này, TS có thể tự “tổ hợp” môn thi cho mình sao cho có tổng điểm cao nhất, có lợi nhất. Đây cũng chính là cách làm của trường ĐH Công nghiệp, ĐH Mở TP.HCM và nhiều trường ĐH khác.
Mục đích của việc mở rộng đối tượng xét tuyển thẳng, các phương thức tuyển và các tổ hợp môn thi, theo các trường, là nhằm tăng cơ hội xét tuyển cho TS. Nhưng cũng có thể thấy rằng, các trường ĐH và Bộ GD-ĐT đã nhận ra nguy cơ thiếu người học ngày càng trầm trọng. Họ phải thay đổi nhận thức từ “người học cần mình” sang “mình cần người học” để thu hút, thậm chí giành giật TS.
Phương thức đào tạo “vũ như cẩn”!
Việc phải áp dụng nhiều phương án để tuyển được TS phù hợp và để TS được tăng cơ hội trúng tuyển là yêu cầu tất yếu, nhưng do ôm đồm và muốn độc quyền nên năm nay mới bắt đầu thực hiện.
Thế nhưng khi phương thức tuyển đã mở rộng và thay đổi, làm cho đối tượng tuyển cũng sẽ mở rộng và thay đổi, thì phương thức đào tạo ĐH có gì thay đổi để tạo ra chất lượng? Trên bình diện chung, tiến sĩ Trần Đình Lý - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho rằng: “Kế hoạch đổi mới công tác đào tạo thì có, nhưng thực chất thì cần phải đầu tư nhiều lắm”.
Cũng theo ông Lý, chất lượng tuyển sinh đầu vào có ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Vì vậy, việc đa dạng hóa phương thức tuyển là phải nhằm tới việc tuyển được những TS phù hợp với ngành nghề đào tạo để chất lượng đầu ra ngày càng tốt hơn chứ không phải để tuyển được càng nhiều TS càng tốt.
Tiến sĩ Lâm Thành Hiển - Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, trường có nhiều năm kinh nghiệm trong thay đổi phương thức đào tạo - cho biết: khi có nhiều đối tượng TS cùng trúng tuyển, học lực và sở trường của từng TS/nhóm TS là khác nhau. Để đáp ứng với từng đối tượng và nhóm đối tượng sinh viên (SV) cần phải có chương trình phù hợp để các em phát huy những môn sở trường và né những môn sở đoản nhằm tạo ra kết quả đa dạng nhưng đều có chất lượng.
Ví dụ, cùng vào ngành Công nghệ thông tin nhưng có những SV mạnh về mạng, có em lại mạnh về lập trình. Những em mạnh về mạng, nếu được đào tạo sâu về mạng thì sẽ có tiền đồ tốt, còn nếu bắt các em theo học sâu về lập trình thì chẳng khác nào buộc các em phát huy sở đoản. Nhiều ngành khác cũng vậy. Bài toán đặt ra cho các trường là phải đa dạng các nhóm môn học để SV lựa chọn. Điều này nhiều trường ĐH ở nước ta chưa làm được.
Tán thành phân tích của ông Lâm Thành Hiển, ông Trần Đình Lý cho rằng, phải có sự phân ngành mạnh mẽ trong đào tạo và đầu tư cho tương xứng với yêu cầu của từng ngành để tạo nên chất lượng. “Thà đào tạo ít mà chất lượng, còn hơn nhiều mà không có chất” - tiến sĩ Lý nêu quan điểm. Thế nhưng thực tế lại ngược lại hoàn toàn.
Tiến sĩ Trần Đình Lý tiếp tục nêu vấn đề: “Nếu một trường ĐH đào tạo 30.000 SV với mức học phí là 15 triệu đồng/năm thì mỗi năm thu được 450 tỷ đồng. Nếu giảm số lượng đào tạo còn 15.000 SV và thu học phí gấp đôi thì vẫn thu được 450 tỷ đồng. Vậy ta chọn cách nào? Khi số lượng quá đông thì không thể tập trung cho chất lượng, SV ra trường quá nhiều mà không đáp ứng tốt yêu cầu của xã hội, sinh ra thất nghiệp. Như vậy là có tội”.
Nghề: một hướng tốt
Một khi các đơn vị đào tạo mở rộng phương thức, đối tượng và các tổ hợp môn thi để xét tuyển thì TS cũng sẽ có nhiều cơ hợi trúng tuyển hơn. Tuy nhiên, cái khó là trước quá nhiều lựa chọn, TS phải chọn sao cho được ngành nghề vừa sức.
Cũng phải hiểu rằng, chất lượng đào tạo ĐH phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ giảng viên (GV), sự cân đối giữa SV với đội ngũ GV và cơ sở vật chất của các trường. Thế nhưng cả ba yếu tố này hiện đều đang là vấn đề “tồn tại” của giáo dục ĐH Việt Nam.
Về đội ngũ, hiện nước ta mới chỉ có 19% GV là tiến sĩ - tỷ lệ quá thấp theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ (đó là chưa kể nhiều tiến sĩ yếu về năng lực do chất lượng đào tạo tiến sĩ của Việt Nam rất kém). Các trường mở ra (cả trường tư và trường công) cốt chỉ để tuyển sinh trong khi cơ sở vật chất lại hết sức nghèo nàn, không đảm bảo.
Về tỷ lệ SV/GV, theo quy định của Bộ là 10-25 SV/1 GV tùy từng ngành, nhưng như GS Đặng Kim Vui cho biết, nhiều cơ sở đào tạo lên đến 70-80 SV/lớp. Có hai công cụ để kiểm tra chất lượng đào tạo của các trường là thực hiện việc kiểm định chất lượng và thực hiện “ba công khai”, nhưng hiện cả nước mới chỉ có khoảng 20 trường/gần 500 trường ĐH-CĐ thực hiện kiểm định. Còn “ba công khai” (gồm cam kết về chất lượng, điều kiện đảm bảo chất lượng, thu chi tài chính) thì đến nay cũng chỉ dừng lại ở hình thức.
Tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai - chuyên gia hướng nghiệp, cho rằng: “Tìm kiếm một chỗ học ĐH bây giờ không khó nhưng TS cần phải hết sức thận trọng, bởi theo xu hướng, vào ĐH sẽ không khó, nhưng đầu ra thì không dễ. Thống kê ở các trường ĐH công cho thấy, tỷ lệ SV tốt nghiệp (cả đúng hạn và trễ hạn) chỉ đạt 70-90% tùy vào từng ngành, từng trường, và chỉ khoảng 80% ra trường có việc làm ngay. Do vậy, TS cần phải hết sức cân nhắc xem liệu mình có thể theo học nổi hết chương trình ĐH, đồng thời còn phải tích lũy nhiều kỹ năng khác như ngoại ngữ, giao tiếp…”.
Cũng theo bà Mai, nếu muốn sớm có việc làm để ổn định cuộc sống thì trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng cũng là một hướng tốt mà các bạn trẻ cần hướng đến.
Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này
Email : [email protected]